(Vietinfo) Sáng 5/4/1979, ba đặc công Ixraen trả phòng, rời khách sạn, lên xe đến La Seyne-sur-Mer, một thị trấn nhỏ, cách Toulon khoảng 7 km về phía nam.
Họ tới đây để tiến hành trinh sát thực địa nhà máy đóng tàu hải quân Địa Trung Hải, nơi đặt linh kiện của lò phản ứng hạt nhân chuẩn bị được chuyển giao cho Irắc. Trước đó, nhờ có “nội tuyến” trong nhà máy đóng tàu hải quân Địa Trung Hải, Mossad biết rằng vào ngày 8/4/1979, người Pháp sẽ sử dụng xe bọc thép vận chuyển linh kiện của lò phản ứng hạt nhân, đi theo đường cao tốc số 559, tới cảng Marseille và từ đó đưa đến Irắc bằng đường biển.
Tình thế buộc các đặc công Ixraen phải khẩn trương thực hiện Kế hoạch Không vận. Một giờ sáng 6/4/1979, cánh cổng tòa biệt thự ở phía nam thành phố Toulon, nơi những đặc công Mossad gặp nhau bàn tính việc loại bỏ “nguy cơ hạt nhân Irắc” hai ngày trước, bật mở. Hai chiếc xe sẫm màu lao ra, chui vào màn đêm, hướng về phía thị trấn La Seyne-sur-Mer. Tại sao họ lại chọn lúc này để bắt đầu hành động? Bởi qua nguồn tin “nội tuyến”, họ biết rằng từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là khoảng thời gian mà lực lượng bảo vệ nhà máy đóng tàu hải quân Địa Trung Hải lơ là nhất trong việc tuần tra, canh phòng.
Đúng như dự báo thời tiết, đêm ngày 5/4, rạng sáng 6/4 trời không trăng không sao. Bóng tối đặc quánh trùm lên vạn vật. Trên đường không một bóng người qua lại. Nhưng để đảm bảo bí mật, tài xế được lệnh tắt đèn và tuyệt đối không được rồ ga. Hai chiếc xe lùi lũi tiến về phía trước.
Hơn chục phút sau, các đặc công Mossad đã có mặt bên ngoài tường rào của nhà máy đóng tàu hải quân Địa Trung Hải. Bốn người ở lại xe làm nhiệm vụ cảnh giới, hỗ trợ. Ba người mở cửa xuống xe, rồi từng người, từng người một vượt qua tường rào, đến thẳng phân xưởng trung tâm, nơi đặt linh kiện của lò phản ứng hạt nhân.
Theo nhiệm vụ đã phân công, một người đứng cảnh giới, một người ngắt hệ thống báo động và một người mở khóa. Mọi sự diễn ra trơn tru bởi họ đã được “nội tuyến” cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, từ việc canh gác, nơi đặt và cơ chế hoạt động của hệ thống báo động đến mẫu chìa khóa cửa phân xưởng trung tâm. Ba người lọt vào bên trong, kéo tấm bạt phủ linh kiện của lò phản ứng hạt nhân xuống. Không ai bảo ai, họ bắt tay vào thực hiện phương án 1: Tháo cái mà họ gọi là “lỗ tổ ong” (bộ phận quan trọng nhất của lò phản ứng hạt nhân), sau đó tìm cách bí mật đưa về Ixraen.
Một góc thị trấn La Seyne-sur-Mer, nơi đặt đại bản doanh nhà máy đóng tàu hải quân Địa Trung Hải. 40 phút trôi qua. Thời gian dành cho việc tháo “lõi tổ ong” đã hết. Ba đặc công Mossad nhìn nhau lắc đầu. Thiết bị này quá phức tạp, họ không thể tách được nó ra khỏi vỏ máy. Phương án 1 đành phải hủy bỏ. Phương án 2 bắt đầu được thực thi. Ba đặc công Mossad thuần thục gắn những bánh thuốc nổ dẻo có sức công phá cực lớn vào “lõi tổ ong” rồi lắp thiết bị hẹn giờ. Xong việc, họ nhanh chóng rời phân xưởng trung tâm, theo đường cũ thoát ra ngoài, leo lên xe, mất dạng.
Ba giờ năm phút sáng. Khi những người lính bảo vệ nhà máy đóng tàu hải quân Địa Trung Hải chuẩn bị thay ca, một tiếng nổ đinh tai nhức óc phát ra. Lửa khói bùng lên ở phân xưởng trung tâm. Còi báo động hú lên phá tan màn đêm yên tĩnh. Xe cứu hỏa và các chuyên gia cứu hộ lập tức có mặt tại hiện trường, nhưng tất cả đã vô phương cứu chữa. Hơn 60% linh kiện, trong đó có “lõi tổ ong” của lò phản ứng hạt nhân, đã bị phá hủy. Những điều tra đánh giá sau đó cho thấy vụ nổ đã làm người Pháp thiệt hại khoảng 90 triệu franc (đồng nội tệ của Pháp trước khi gia nhập khu vực đồng euro).
Trong một hành động phối hợp, sáng 7/4/1979, một đặc công Mossad gọi điện đến Sở cảnh sát thành phố Toulon, tự nhận là người phát ngôn của “Hội Bảo vệ Tự nhiên Pháp”, một tổ chức chưa từng được biết đến trước đó, thừa nhận trách nhiệm về vụ nổ. Hắn còn cảnh báo “lực lượng chống hạt nhân” sẽ tiếp tục thực hiện những hành động tương tự.
Không tìm được manh mối gì ở hiện trường vụ nổ, lại bị đánh lạc hướng, công tác điều tra của cảnh sát Pháp không đem lại bất cứ kết quả khả quan nào. Trong khi đó, tại tổng bộ Mossad ở Ten Avíp, Hofi nở nụ cười mãn nguyện, nâng cốc chúc mừng sự thành công của Kế hoạch Không vận.