Chợ thông tin Ô Tô - Xe hơi Việt Nam (OTSN)  

Trở lại   Chợ thông tin Ô Tô - Xe hơi Việt Nam (OTSN) > THÔNG TIN KỸ THUẬT > Tin Tức- Sự Kiện

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 01-08-2012, 01:18 PM
lengo_ltd lengo_ltd đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: May 2012
Bài gửi: 699
Mặc định "Vượt ngục" - những câu chuyện khó tin...

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Bây giờ, phạm nhân đi ở tù thậm chí còn được tiêu chuẩn cả đường sữa; cơm bữa có thịt cá gạo thơm, buồng giam có quạt trần, nhà tầng, lát gạch, hố xí tự hoại. Điều đó khiến nhiều người có ý tránh chữ "tù", chữ "ngục" khi nói về các trại giam hiện nay, bởi họ cho rằng, chúng dễ gợi đến những xà lim chuồng cọp quá "đen tối" (trong chế độ cũ) . Cũng có lý. Tuy nhiên, có một cụm từ mà không dễ gì người ta sẽ thôi không dùng nữa: vượt ngục (dẫu là vượt ngục thời bình). Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại; trong nhận thức của người bỏ trốn thì trại giam nào cũng là... địa ngục. Có giam giữ thì có đào tẩu. Cũng như năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn. Có xã hội là có người lầm lạc. Đôi khi, ai đó còn nói đầy cam phận, người lầm lỡ họ cũng như anh em một nhà với chúng ta, họ chịu thiệt thòi cũng là để gánh tội cho chúng ta. Hãy thương xót lấy họ.

Và, sau đây, tôi xin kể vài câu chuyện về thế giới của những kẻ vượt ngục thời bình. Một trong số đó, tiêu điểm là vụ 11 tên tù trốn trại (có lẽ là) hãi hùng bậc nhất trong lịch sử trại giam nước ta suốt nhiều năm gần đây - về cả quy mô, số lượng, phương thức bài binh bố trận để trốn; cũng như quá trình lao tâm lao lực để bắt tất cả bọn chúng lại. Bài viết chỉ như một lát cắt ở nội trong một cái Trại giam (của Bộ Công an).



Thế giới của những gì khó hình dung nhất



.Nguyễn Quang Vinh, người cầm đầu một cuộc vượt ngục nổi tiếng ở Trại giam Tân Lập đang tiếp tục thụ án tại… Tân Lập.

2.Phạm nhân Đặng Sỹ An này trở nên “nổi tiếng” vì thành tích: vừa ra khỏi trại đã cùng em gái lên nhà một nữ quản giáo của trại giam Tân Lập, người từng giúp đỡ mình hoàn lương để cướp. Hắn đã chém nữ quản giáo vài chục nhát dao, bỏ mặc chị bất tỉnh trong vũng máu rồi bỏ trốn. Lưới trời lồng lộng, y đã bị bắt và hiện đang tiếp tục vào trại giam Tân Lập thụ án!



Năm 1997, là một sinh viên báo chí thực tập, tôi lên Tân Lập viết phóng sự về vụ vượt ngục vào loại khủng khiếp nhất trong lịch sử ngành trại giam nước ta, kể từ sau giải phóng miền Nam. Bấy giờ, rừng sâu núi thẳm hoang vu kéo dài mấy chục cây số từ thị trấn Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) ngược lên, rồi cái bè mảng mỏng manh dẫn qua con ngòi nước dữ đáng sợ tới mức, khi sang đến bến cõi của mấy nghìn người tù rồi, tôi vẫn chưa tin là mình còn sống! Mười một phạm nhân "đại bàng đầu gấu" đệ nhất của trại đã đào tẩu một cách chuyên nghiệp tới mức ngay cả những người cả một đời theo nghề trại giam cũng không dám tin. Nghe nói, sau này, qua thời gian dài, với nhiều nỗ lực của nhiều lực lượng, bắt được bọn chúng, nhốt trở lại trại, nghiên cứu - điều tra thực nghiệm hiện trường rồi, nhiều người vẫn tỏ ra... nghi ngờ. Vụ trốn trại như một cơn mơ ác. Một kế hoạch công phu, táo bạo và "thành công" mỹ mãn tới mức không thể hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, do tình trạng nước sôi lửa bỏng lúc bấy giờ, do hầu như toàn bộ cán bộ chiến sỹ phải căng mình ra đi bắt tù trốn trại (cấp trên phải điều cán bộ quản giáo ở trại giam khác đến hỗ trợ coi tù ở Tân Lập) nên khát vọng dựng lại chân dung một vụ đào tẩu lịch sử của tôi (với tư cách nhà báo) đành phải hoãn lại.

Đúng 10 năm sau, tôi lại vượt chín suối mười đèo trở lại Tân Lập. Duy có Giám thị Nguyễn Văn Thịnh là đã về hưu, còn lại nhiều anh em cán bộ vẫn nhận ra tôi. Ông Nguyễn Hữu Kỷ vẫn làm Phó Giám thị, anh Cao Mạnh Cảnh vẫn làm đội trưởng Trinh sát (nhân thế tôi mới chạnh lòng nhận ra cái chí lý trong lời nhận xét của một anh tù: "em đi tù thì còn có án, có ngày ra trại; chứ cán bộ coi tù thì cứ là chung thân hết kiếp ở... tù). "Món nợ" về vụ trốn trại ly kỳ khủng khiếp kia, qua một thập kỷ vẫn nóng bỏng. Một kỷ lục như thế, hồ dễ gì đã quên được? Hiện, ở Tân Lập đang giam giữ khoảng 5.000 phạm nhân (không có nữ), phạm toàn những tội nghiệm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (thuật ngữ trong ngành gọi là trại giam loại 1). Giám thị Nguyễn Duy Cầm tổng kết ngắn gọn, không ra tự hào cũng chẳng ra chua xót: "Trại có gần 400 phạm nhân chịu án chung thân; loại từ 2 đến 6 tiền án cũng hơn 1.000 người". Anh Cảnh, công tác ở trại Tân Lập lâu tới mức có phạm nhân đã phải ví von, "nếu bác chịu án tù chung thân mà cải tạo tốt có khi ra tù lâu rồi" (đằng này bác lại là cán bộ). Vậy mà khi nhắc tới vụ 11 tên, anh Cảnh vẫn nhớ hơn cả "vụ mười một tháng chín" (11/9) khi bọn khủng bố giết chết hàng nghìn người bằng cách đâm máy bay vào toàn toà tháp đôi ở Hoà Kỳ.

Quả là những gì khó tin nhất ở đời thì ta đều có thể gặp trong thế giới của những kẻ vượt ngục. Có thể dùng lửa... cắt tóc cho bạn tù. Có thể đun sôi bịch nước đựng trong... túi ni lông bằng cách đốt lửa vào thẳng đáy túi (!). Tên Đương (Đương "trâu", SN 1960, án tù chung thân, tội giết người, hiện vẫn đang giam tại Tân Lập) còn có tài độn thổ. Tức là như Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký vậy. Quản giáo vừa trông thấy Đương lơ ngơ lao động trồng chuối tăng gia. Thế mà giữa đồng không mông quạnh, ngoái đầu lại đã thấy hắn biến mất. Bới đất lật cỏ tìm không thấy. Cho đào toàn bộ vùng đồi lên thì phát hiện Đương nằm cuộn tròn như con rắn ở dưới lòng đất, ôm lấy gốc chuối. Người ta đã đào bốn xung quanh, nhưng chừa cái phần sát sạt gốc chuối ra, vì không ai nghĩ một người to cao như Đương có thể cuộn được như con cuốn chiếu thế. Lại sống được ở cõi âm ty lâu như vậy. Hoá ra hắn nhờ bạn tù đào hố chôn hắn xong, lại khoét cho một cái lỗ to tích trữ khí thở trước khi lấp đất lại rồi mới "bái bai" chào từ biệt nhau âm dương cách trở.

Có một tên tù còn kinh khủng hơn, tới mức, có lẽ tôi xin phép không gọi tên anh ta ra trong bài viết này. Vì (như anh Cảnh kể), N.V.H (tên hắn ta) còn lặn cả xuống hố phân người để đào tẩu. Anh em trinh sát tìm mãi không thấy H., chỉ còn mỗi cái hố phân là chưa thọc gậy xuống... khoắng. Một người được cử ra khoắng, anh ta đứng trên bờ chọc gậy mãi không thấy gì, đành thất thểu bịt mũi bỏ cuộc. Phen này anh em bị kỷ luật cả đám - một quản giáo thở dài. Một người giật mình: lúc nãy mình thọc gậy thẳng, nếu thằng H. đứng dọc người trong hố phân như thợ săn cá sấu thì sao, thử khoắng ngang xem sao. Khoắng, vớ được H.! Xin lỗi được miêu tả: H. nằm im, phân ngập từ đầu đến chân, chỉ để riêng cái mũi lên trên không khí để thở. Dòi bọ nhung nhúc. Phần mũi nhô lên được nguỵ trang bằng một tờ giấy của người đi vệ sinh! Phải vất vả lắm người ta mới gọi được H. lên khỏi hô ô uế.





Ngoài một số phần tử cứng đầu, hầu hết phạm nhân trong các trại giam hiện nay đều yên tâm lao động, cải tạo mong hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước.



Thay vì đem còng số 8 ra, anh em thương xót bảo an ta đi tắm xà phòng sạch sẽ rồi khuyên giải. Án đã "đóng đinh" như vậy, ở trong tù được đối xử tử tế thế, yên tâm cải tạo tốt sẽ sớm được giảm án, tha thù, sao mà phải khổ sở thế. Từ bấy, H. trở thành một tấm gương trong toàn bộ phân trại. Tương tự như vậy, ở trại Tân Lập có tên còn trốn trại bằng cách chui xuống hố nước thải toàn rác rưởi thức ăn thừa ở gần nhà bếp của trại. Khi bị phát hiện, anh ta vẫn chưa chịu ngoi lên. Cứ lặn ùng ục chạy từ góc nọ sang góc kia của hố nước thải như một vận động viên bơi lội. Quả là trong cuộc đuổi bắt hôm đó, có anh quản giáo đã bật khóc vì thương, vì không hiểu bởi tại làm sao mà người ta lại có thể khổ nhục để vượt ngục giữa thời bình đến mức ấy.



, chỉ một sợi dây mềm oặt của chiếc chăn chiên phát, phạm nhân có thể dùng để cưa đứt chấn song sắt. Chúng thấm nước bọt cho sợi vải chăn chiên ướt rồi lăn qua đất, cát, sạn, sỏi tạo thành một dụng cụ có ma sát. Cứ ngày rộng tháng dài tơ tưởng "tự do", chúng dùng cái cưa vải bám đất cát ấy cò cưa. Trời đất quỷ thần cũng không tin được rằng, thế mà song sắt "đề lao" to đùng cũng bị cưa đứt dần dà. Đứt đoạn nào, chúng vê ghét đất trên cơ thể mình chít kín "mến cưa" lại. Cán bộ quản giáo đi kiểm tra không sao phát hiện được. Đến ngày song sắt đứt. Chúng lại khoét ngạch chỉ với một đồng xu trong tay. Khoét đến đâu, bịt gạch vào, lấp đất đá vụn vào như cũ, dán giấy màu vàng (cùng màu với vôi bờ tường) lên nguỵ trang đến đó. Cắt đứt chấn song sắt, đào bục bờ tường kiên cố, chúng tẩu thoát rồi, vẫn kịp quay lại dán giấy vàng vào bờ tường phẳng lỳ kín đáo... như cũ. Cán bộ đi tuần vẫn chưa biết gì. Đặc biệt, anh bạn tù được cán bộ cắt cử làm trực buồng thì bị đánh thuốc ngủ cho mê man. Và, 11 tên đã lỗng xích biến vào rừng rậm. Cầm đầu vụ vượt ngục tháng 3 năm 1997 trên là 5 phạm nhân cứng đầu đang thụ án chung thân, gồm: Vũ Văn Long (Long "con"); Phạm Văn Tuấn (Tuấn "lỳ"); Đinh Minh Tiến (Tiến "phổ"); Châu Hùng Thắng; Đặng Quang Hoay.



Những cuộc truy lùng xuyên... thế kỷ





"Trại giam Tân lập được đầu tư một cách toàn diện từ cán bộ đến cơ sở vật chất. Tình trạng giam giữ được cải thiện rất nhiều. Vượt ngục thời bình với những câu chuyện đau lòng như trên dần chỉ còn trong... tư liệu"



Lần này tôi trở lại Tân Lập, đúng ngày Đội trưởng Trinh sát Cao Mạnh Cảnh nhận được tin tên Trần Văn Long (SN 1967, Thổ Quan, Đống Đa, HN), trốn trại từ 20/2/988, đã bị bắt trở lại sau 18 năm bặt tăm. Long đã mang cái án tù chung thân vượt ngục rồi hành tẩu vào đời thường, dùng cái tên của người em trai đã chết, rồi của cả người anh trai vẫn sống của mình làm đủ thứ nghề, cưới cả vợ trẻ đẹp, vào Nam ra Bắc bao nhiêu lần mà chẳng ai biết. Sau khi tự nhẩm có lẽ mình sẽ trở thành một Giăng Văn Giăng ở Việt Nam, ít lâu sau, Long phải thở dài: biển rộng không chết, hắn chết vũng trâu đằm - khi y bị bắt bởi mấy đồng chí công an phường ở Hà Nội đến... kiểm tra hộ khẩu thường trú. Anh Cảnh câm lặng "đón" vị khách cũ mà trại đang truy nã, sau cuộc truy lùng 18 năm trời, xuyên... 2 thế kỷ. Hiện, trong hồ sơ "truy nã" của trại, có tới 24 tên vẫn đang nhởn nhơ ngoài xã hội sau những cuộc vượt ngục thành công!



Sau 31 năm làm cán bộ quản giáo ở Tân Lập, Trung tá Trần Văn Toàn nhẩm tính: hãi nhất là thằng Hùng "bưởi" (tên thật là Vũ Tiến Hùng, SN 1963, phường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội; nhiều lần bị ra toà, đi tù vì các tội trộm cắp tài sản, trốn khỏi nhà giam), nó tuyên bố: em vào cải tạo, em chỉ có trốn. Nghề của cán bộ là coi ngục, nghề của em là phá ngục và trốn. Hắn vào tù như đi chợ, lần nào gặp quản giáo cũng tay bắt mặt mừng, rất là vô tư (chứ không tỏ vẻ ta đây "gấu mèo anh chị" gì). Theo hồ sơ lưu trữ của trại Tân Lập, Hùng "bưởi" đã 6 lần vào ra trại Tân Lập, một lần trại Hoả Lò, một lần trại giam trong TPHCM. Hiện hắn đang bị giam ở trại giam trong Thanh Hoá.



Hùng có biệt tài chịu khổ, sau mỗi lần trốn trại, bị biệt giam vô cùng khắc nghiệt, hắn xanh xao vài hôm. Ra khỏi "hình phạt", chỉ một tuần, Hùng béo trắng da đỏ au au ngay. Và lại hớn hở, hiền lành ủ mưu... trốn tiếp. Hắn trốn trại với một mãnh lực ma quái nào đó, khiến ai cũng phải lè lưỡi kinh sợ. Có lần, trại Tân Lập đem hắn "di lý" vào bắc miền trung giao cho một trại giam của Bộ. Phía trại kia chỉ nghe tên Hùng "bưởi", ai nấy ngán ngẩm vì sợ hắn trốn thì có mà "cháy thành vạ lây". Cái nghề trại giam này không ai dám tự hào nói hay nói khéo là "trại tôi sẽ không có thằng nào dám trốn". Lại thêm thấy Hùng bị tê liệt cả bên chân sau thời gian biệt giam nghiêm khắc. Đồng chí giám thị trại tiếp nhận kiên quyết không "đón" phạm nhân... tàn tật. Anh ấy yêu cầu trên Cục V26 phải chứng nhận Hùng bị (đại ý) liệt hoàn toàn hai chi, không còn khả năng phục hồi thì mới... nhận.

Anh em ở trại kia nhận Hùng xong, cán bộ trại Tân Lập cũng thở phào. Hùng quá gian manh trong các kế hoạch đào tẩu, nếu để hắn ở Tân Lập, hắn co cụm cùng với mấy phần tử chuyên nghề... vào tù - trốn tù kia thì có giời mà đối phó được. Anh em cũng rỉ tai mấy đồng nghiệp mới tiếp nhận Hùng: "Nó bị tê chân do biệt giam vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Chỉ vài hôm là hắn lại phi như ngựa được. Giữ cẩn thận, kẻo nó bùng đấy". Không ngờ vài hôm sau đã thấy cấp trên triệu tập anh em phối hợp đi lùng bắt 9 tên tù trốn trại, thủ phạm tổ chức vượt ngục không ai khác chính là do Hùng "bưởi" cầm đầu. Hùng cũng từng chui xuống hố phân ngập đầu dòi bọ trong một lần vượt ngục khác!



Thật ra thì có một thời gian không ngắn, do hoàn cảnh chung, cuộc sống của phạm nhân đói khổ vô cùng, nên nhiều tên đã liều chết mà trốn. Lại thêm, những ngày ấy, cuộc sống của bà con xung quanh trại cũng đói khổ không kém, Ban giám thị vẫn thường đánh xe tải chở gạo đi cứu đói. Nhiều năm, bờ tường bảo vệ của trại Tân Lập làm bằng cọc tre cọc gỗ, với hàng rào như... ruộng nương trên núi. Có năm mưa dầm gió bấc, cọc rào mục nát đổ cả, anh em phải chia nhau cầm đèn bão đứng giăng hàng làm cọc sống lập loè canh tù trốn trại. Tuy nhiên, cuộc đào tẩu "vĩ đại" năm 1997 ở Tân Lập, hoàn toàn là do sự ương bướng rất bản năng của những tên lưu manh chuyên nghiệp, chứ không phải vì đói khát hay sự hà khắc nào. Bọn chúng coi ở tù và trốn tù như một cái... nghề. Vụ trốn trại đã gây kinh động đến tận Trung ương, ra toàn quốc, nhiều bộ ngành cùng vào cuộc đi truy lùng. Rất nhiều quản giáo ở các trại Thanh Hà, Vĩnh Quang đã được tăng cường lên làm công tác bảo vệ ở Tân Lập, để cho "tổng lực" anh em Tân Lập đi bắt 11 tên tù trốn trại. Có một chi tiết thú vị: tập thể cán bộ trại Tân Lập, độ ấy đã mất hết thành tích thi đua (phạt) vì để sổng 11 tên tù nguy hiểm bậc nhất; rồi chính anh em lại nhận được nhiều phần thưởng vì tinh thần truy bắt tù trốn trại. Lý do là kế hoạch vượt ngục của bọn chúng quá hoàn hảo, chúng nó "chiến thắng" (tạm thời) cũng là... không mấy khó hiểu.



trước mặt tôi, Nguyễn Quang Vinh tỏ ra rất hiền lành. Anh ta bảo, độ ấy do chưa an tâm cải tạo nên em dại dột đi theo tên Nguyễn Ngọc Loan (bạn tù, đang thụ án 20 năm) trốn khỏi Tân Lập đúng vào dịp Tết năm 1996 làm cho cán bộ toàn trại hầu như mất oan cái tết. Tên Loan đã chủ mưu trốn đấy chứ. Vinh SN 1969, nhà ở Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, phạm tội cướp tài sản (một chiếc đồng hồ) của 3 người, giết chết một người, đi tù lần đầu tiên với mức án 20 năm. Vinh và Loan đã đục thủng bờ tường kiên cố, dùng một biện pháp vô cùng đơn giản mà có lẽ lính thuỷ đánh bộ của Mỹ chửa chắc đã nghĩ ra để vượt qua hàng rào dây thép gai dữ dằn: hắn dùng một cái chăn dày rải lên lớp lớp thép gai, rồi trượt êm ra ngoài... đời thường. Cả thảy, cả ở tù lẫn lúc trốn, Vinh thành phạm nhân đã gần đủ 20 năm! Đưa ra phép tính nhẩm này xong, Vinh rơm rớm khóc, nói một câu hay như trong tiểu thuyết: "Lúc bôn ba trốn trại, nhìn cảnh người ta đoàn tụ gia đình, tủi thân vô cùng". Vinh và Loan ra khỏi Tân Lập, chọn hướng rừng rậm thẳng tiến, lên vùng cao Văn Cấân, đi đường lẩn lút tìm về phà Âu Lâu, tỉnh Yên Bái. Rồi ăn trộm thuyền của dân chài, ngày ngủ vật vạ bờ tre bụi dứa, tối lại trôi sông tìm về Hà Nội. Dặt dẹo, đói khát, đi 3 đêm thì về đến cầu Ghềnh, qua Phong Châu, Phú Thọ. Rồi Vinh và Loan chia tay nhau, Vinh về Hà Nội, vào miền Nam sống lẩn lút bằng đủ thứ nghề mạt hạng cho đến ngày bị bắt. Nghe đâu, trốn được 6 tháng, Loan cũng đã bị bắt.





"Phạm nhân tên là Tâm này người Tuyên Quang, vốn là một sinh viên tiên tiến, can tội "ngộ sát", thụ án tại Tân Lập. Nhờ cải tạo tốt, anh ta đã được đặc xá. Trong ảnh là niềm vui của Tâm khi nghe tin mình được tự do"



"Vụ 11 tên" diễn ra sau vụ của Vinh và Loan ít ngày. Và, ít ai ngờ là, vừa vượt ngục, vừa bị tóm, vào tháng 3 năm 2007, Loan lại tiếp tục tham gia vụ đào tẩu lịch sử thứ hai. Hành trình của lực lượng truy lùng tù trốn trại cực kỳ vất vả. Anh em leo núi trong mưa, vắt muỗi bay vù vù, liên tục đối mặt với hiểm nguy do 11 phạm nhân đặc biệt nguy hiểm có thể chống trả bất cứ lúc nào. Đến khi kiệt sức trên đỉnh mây mù thì anh em vây ráp tứ phía "hội quân" được trên núi, bắt được 4 tên Quang, Long, Tuấn, Ngô Phi Hùng (Hùng “hói”). Hai tên Nguyễn Văn Ý "lùn" và Dũng "rệu" rông thẳng sang Yên Bái, chia tay nhau ở phà Âu Lâu, một thằng xuôi về Việt Trì gặp ngay ổ phục kích của công an. Dũng nhảy xuống sông, ướt như chuột lột, bị tóm sống. Ý vượt sông, tìm đường chạy sang Bắc Ninh. Hắn vượt ngục nhiều lần rồi nên rất có kinh nghiệm. Có lần, trốn ra, hắn giắt quả lựu đạn trong người, ăn chơi rất khó hiểu. Có khi hắn chặn tay bán kem mút lại, ăn hết cả thùng kem, rồi hống hách đá cho ông píp-pô một cái không thèmm giả tiền. Có khi hắn đến một vùng quê vắng, mua một con ngựa trắng, cưỡi đi lại rất hung hăng. Nhưng khi bị bắt lại "đề lao", hắn bẹp như một con gián, thằng bạn tù nào đá đít cũng... vui vẻ. Anh em trinh sát biết Ý trong căn nhà ấy, mới mời chính quyền địa phương chứng kiến, vây bắt. Ý quẫy đạp với sức mạnh khó tưởng tượng, 4 người xông vào đều bị hắn đánh bật.

Nghe có vẻ "tiểu thuyết bi tráng" nhất trong vụ vượt ngục 11 tên, ấy là mũi của Loan, Châu Hồng Thắng và Đặng Quang Hoay. Ba thằng rủ nhau tiến thẳng về Hạ Long, Quảng Ninh, nhờ người mua thuyền ra khơi đánh bắt cá mực. Tách khỏi đất liền và sự truy đuổi ráo riết của cán bộ. Lại lấy lao động là vinh quang giữa bao la trời nước. Nước mặn của vịnh biển đẹp và danh giá nhất Việt Nam kia sẽ gột rửa tội lỗi cả ba thằng? Đến một ngày, Loan chán cảnh đi biển mới rủ hai anh bạn tù vào miền Nam sinh sống. Hai tên không theo, Loan dứt áo ra đi, hẹn ngày 23 hằng tháng, sẽ lấy ngày ta chia tay nhau làm ngày đoàn tụ. Sẽ gọi một cuộc điện thoại tâm tình, gọi là bạn quý ở chỗ... cũ, lúc hoạn nạn có nhau.



pSau này, Loan thường gọi điện về cho hai người bạn, thông qua số máy ở nhà một người quen. Lực lượng công an, bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, đã nắm được thông tin qua điện thoại của Loan, dung “nội công” thuyết phục người nhà Loan ủng hộ lực lượng vây ráp để “giúp Loan sớm làm lại cuộc đời”, rồi “trinh sát” công phu để biết chắc chắn về thời điểm Loan sẽ ra Bắc ăn tết. Khi bị tóm, phát hiện ra có người đã viết thư, chuốc rượu, nghe điện thoại, bẫy mình vào chỗ sa lưới, Loan còn xông vào đánh những người đã giúp đỡ cơ quan chức năng bắt hắn. Khám trong người Loan, các mũi giáp công thu được một quả lựu đạn và 4 viên đạn đồng sang choang. Song, "gấu biển" nhất vẫn là Đinh Minh Tiến (tức Tiến "phổ"), hắn SN 1948, người ở Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ, bị án chung thân do cướp tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép.

Tiến trốn khắp nơi, đến lúc lang thang thăm quê dưới Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc thì bị cơ quan chức năng "đón" ở nhà người quen, bắt gọn. Hắn còn chửi bạn: mày bán đứng tao cho công an. Rồi quay ra các cán bộ quản giáo: ban (quản giáo) đi đủ công an chính quyền các cấp, đông quá, chứ vài người là chả "ăn" (bắt) được cháu đâu. Sức cháu, cháu "xơi" (đánh gục) cứ là 10 ban ngon lành. Theo hồ sơ, Tiến từng là lính đặc công, từng chiến đấu bên Lào, từng lái xe tăng, to con, dáng đi gù gù như con gấu. Mặt hắn lạnh, có cái gì đó giống diễn viên điện ảnh Thương Tín trong phim Biệt động Sài Gòn.



Tiến cũng là đối tượng trốn trại cuối cùng trong số 11 tên kể trên bị tóm.

Trong bất cứ xã hội nào, kể cả thế giới đầy ánh sáng trên đỉnh Olanhpơ của các vị thần, cũng cần đến xiềng xích, hoả ngục, trại giam, xà lim, hoả lò hoặc một cái gì tương tự thế. Người ta vẫn cứ vào tù và vẫn cứ vượt ngục. Nhưng rõ ràng, theo thống kê chính thức, gần đây, điều kiện sống trong trại giam, điều kiện giam giữ được cải thiện nhiều; đặc biệt, là chính sách ân giảm án, đặc xá, tha tù đầy nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, tình trạng phạm nhân trốn tù ở nước ta đã giảm hẳn. Tuy nhiên, qua vài vụ việc nhỏ, ở một (chỉ là một) trại giam vừa kể, mới thấy quyết tâm và sự "sáng tạo" của những người đào tẩu khỏi trại giam thật khủng khiếp. Có một sức mạnh ma quái nào đó đã dẫn đường cho người lầm lạc tiếp tục lầm lạc bằng cách "vượt ngục", với những thủ đoạn khốc hại, đau thương. Thế mới thấy nỗ lực, nỗi vất vả trong công việc lặng thầm của cả một giới người được chúng ta gọi vui là "tù không thời hạn" (quản giáo - lực lượng cảnh sát trại giam). Thế mới nhớ lời khuyên có vẻ như rất thừa của một đồng chí Giám thị trại giam mà tôi đã gặp, rằng: có một cách để không bao giờ rơi vào kiếp nạn vượt ngục khổ ải và khốc hại, làm khổ bản thân, gia đình và xã hội - ấy là đừng bao giờ lầm lỡ để đến nỗi phải đi ở tù. Bên cạnh ý thức tuân thủ luật pháp, cái khó hơn là mỗi người, trong cõi sống, cần biết tự khắc nghiệt với chính bản thân mình.



phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:30 AM



 
© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.