Chợ thông tin Ô Tô - Xe hơi Việt Nam (OTSN)  

Trở lại   Chợ thông tin Ô Tô - Xe hơi Việt Nam (OTSN) > THÔNG TIN KỸ THUẬT > Tin Tức- Sự Kiện

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 01-08-2012, 01:32 PM
hungbaoco hungbaoco đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: May 2012
Bài gửi: 739
Mặc định _________Sniper, kẻ gieo rắc sợ hãi________

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Sniper kẻ gieo rắc sợ hãi


Kỳ 1: Nữ xạ thủ nguy hiểm nhất thế giới







Với khẩu Mosin Nagant, Pavlichenko đã trở thành huyền thoại - Ảnh: wikipedia



Cụm từ “bắn tỉa” hay nhắc người ta liên tưởng đến các vụ ám sát. Thời trước, hai phát đạn khô khốc đoạt mạng John F.Kennedy ngày 22.11.1963. Mới đây, hàng triệu dân Mỹ hoảng loạn trước kẻ bắn tỉa giết người hàng loạt ở Washington DC, Maryland và Virginia (2002). Nhưng chỉ hiểu về bắn tỉa có thế thôi thì chưa đủ...

Trong hai cuộc thế chiến, bắn tỉa là chiến thuật tối thượng nhằm tiêu diệt nhuệ khí chiến đấu của đối phương bằng những phát đạn giết người từ bóng tối. Khi Đức tiến chiếm Liên Xô năm 1941, thế giới bắt đầu chào đón nữ xạ thủ huyền thoại.

Các trang web lịch sử gọi cô là nữ hoàng bắn tỉa (female sniper queen), cô là công dân Liên Xô đầu tiên được Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt mời cơm tại Nhà Trắng; được đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đưa đi diễn thuyết ở 43 thành phố Bắc Mỹ. Lyudmila Mikhailivna Pavlichenko trở thành hình tượng Xô viết ngay trên đất tân lục địa. Người Mỹ viết nhạc về cô và hình tượng nữ xạ thủ bắn hạ 309 quân Đức được chuyển thể thành kịch trên sân khấu Mỹ.

Ngày 12.7.1916, một bé gái sinh ra tại thành phố Bila Tserkva, gần Kiev, đúng vào những năm tháng đen tối nhất của Đệ nhất thế chiến. Không ai nghĩ cô bé sẽ trở thành người phụ nữ nguy hiểm nhất thế kỷ 20.

Là một học sinh năng khiếu, tính ngay thẳng, thậm chí bướng bỉnh, Pavlichenko học hết lớp 9 rồi cùng gia đình chuyển lên Kiev sinh sống, làm việc tại một xưởng công binh và bắt đầu gia nhập câu lạc bộ bắn súng.

Ngày 22.6.1941, Hitler xua quân tấn công Liên Xô là lúc Pavlichenko đang học năm 4 khoa sử Đại học Kiev. Như bao sinh viên khác, cô tình nguyện gia nhập quân đội.

Lòng hăng hái của cô khiến nhiều người ngạc nhiên, ít nhất là viên sĩ quan tuyển quân.

Anh này trố mắt nhìn cô gái trông giống người mẫu hơn là một quân nhân tình nguyện: tóc rất thời trang, móng tay để dài, quần áo cực kỳ hợp mốt. Cô gái nói mình muốn ra chiến trường, được cầm súng. Viên sĩ quan bụm miệng cười, bảo: “Em thì biết gì về súng đạn”. Cô gái móc ra tờ giấy chứng nhận xạ thủ của câu lạc bộ. Viên sĩ quan vẫn cố thuyết phục “em nên làm y tá thì hợp hơn”, song cô từ chối.

Pavlichenko gia nhập trung đội bắn tỉa thuộc sư bộ binh 25. Tháng 8.1941, binh nhì Pavlichenko bắn hạ 2 binh sĩ Đức đầu tiên trong nhiệm vụ bảo vệ ngọn đồi chiến lược Belyayevka bằng khẩu Mosin Nagant ống ngắm PE.4. Đây là loại súng có thể bắn 5 viên liên tục, sử dụng loại đạn 148 grain (1 grain = 0,0648 gam), tốc độ viên đạn đạt 2.800 feet/giây (840m/giây) trong phạm vi hiệu quả 600 mét.

Chiến đấu thêm hai tháng rưỡi gần Odessa, cô sinh viên mới gia nhập quân đội được hơn 4 tháng đã bắn hạ 187 quân địch. Khi Đức giành quyền kiểm soát Odessa, đơn vị được lệnh rút về Sevastopol và Pavlichenko tiếp tục chiến đấu ở đây thêm 8 tháng. Tháng 5.1942, lúc này trung úy Pavlichenko được Hội đồng quân sự miền nam nêu gương sau khi bắn hạ đến tên Đức thứ 257. Thành tích tổng cộng của cô trong Thế chiến 2 được công bố là 309 người, trong đó có hơn 100 sĩ quan và 36 xạ thủ bắn tỉa Đức.

Tháng 6.1942, Pavlichenko trúng đạn cối bị thương. Cấp trên quyết định bảo vệ cô - lúc này đã là biểu tượng quốc gia, bằng cách điều động hẳn một chiếc tàu ngầm đưa cô về tuyến sau, rút hẳn cô ra khỏi chiến trường để nhận công tác tuyển dụng và đào tạo lực lượng kế thừa.

Tháng 9.1942, Pavlichenko có mặt trong phái đoàn quân sự Liên Xô sang thăm Mỹ, Canada và Anh, được Tổng thống Franklin Roosevelt tiếp đón tại Nhà Trắng và trở thành bạn thân của đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt. Bài hát Miss Pavlichenko được ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng Woodie Guthrie sáng tác ca ngợi người con gái huyền thoại và tên tuổi cô cũng xuất hiện trên sân khấu Mỹ trong vở kịch War Heroes (Chiến binh kiêu hùng) vào năm 1943. (Còn tiếp)



Năm 1942, Pavlichenko được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội. Một năm sau, cô được Chủ tịch Liên bang Xô viết Mikhail Kalinin trao tặng Huân chương Lenin. Từ đó đến hết cuộc chiến, cô trở thành biểu tượng của hơn 2.000 nữ xạ thủ bắn tỉa Nga trên chiến tuyến.





Ảnh: wikipedia
Chiến tranh kết thúc, cô giải ngũ với quân hàm thiếu tá và hoàn thành nốt khoa sử, trở thành nhà sử học và xuất bản nhiều sách báo. Năm 1957, Eleanor Roosevelt sang thăm Liên Xô và yêu cầu được gặp “người bạn cũ”. Cuộc tái ngộ sau đó diễn ra tại căn hộ 2 buồng ngủ của Pavlichenko và kỷ niệm về cuộc gặp được lưu lại trong nhật ký của Eleanor.



Pavlichenko mất ngày 27.10.1974 khi mới 58 tuổi và được an táng tại nghĩa trang Nododevichy, Moscow với đầy đủ nghi thức dành cho quân đội. Trong ảnh, tem mang hình ảnh Pavlichenko được phát hành rộng rãi tại Liên Xô năm 1976.





Kỳ 2: Những cái chết vô hình





Anh hùng quân đội Liên Xô Vasily Zaytsev với chiến tích bắn hạ 225 quân Đức trong cuộc chiến Stalingrad - Ảnh: wikipedia



Lịch sử thế giới vẫn chưa ghi lại đầy đủ công lao của đội quân bắn tỉa. Bắn tỉa - từ nguyên thủy là xạ thủ (marksman). Thực tế từ những năm 1770, động từ “to snipe” - đi săn chim dẽ giun (loài chim lội nước, mỏ dài có tên tiếng Anh là snipe) đã được binh sĩ Anh đóng tại Ấn Độ sử dụng. Từ đây nảy sinh ra danh từ sniper mà chúng ta biết ngày nay: người bắn tỉa.



Mỗi cường quốc xây dựng riêng cho mình học thuyết và chiến thuật bắn tỉa khác nhau. Vai trò mạnh nhất của sniper là cung cấp thông tin trinh sát cho máy bay không kích. Khi cần thiết, sniper có thể nổ súng tấn công các mục tiêu có giá trị như sĩ quan chỉ huy, chuyên viên điện đài, hoặc sử dụng loại súng có sức công phá lớn tiêu hủy các kho tiếp vận, phương tiện chiến tranh để làm chậm bước tiến công của địch. Trong các cuộc chiến cân não, sniper là tác nhân gieo rắc nỗi sợ hãi, tiêu diệt nhuệ khí chiến đấu của đối phương.

Trong Thế chiến thứ 2, Nga thành lập hẳn những đơn vị bắn tỉa ở cấp trung đội, có nhiệm vụ tác chiến bên cạnh quân chủ lực. Anh hạn chế việc huấn luyện bắn tỉa do chỉ dành cho cấp sĩ quan. Mỹ chỉ đơn thuần huấn luyện sniper bắn trúng mục tiêu với yêu cầu trong phạm vi 400 mét phải bắn trúng người và trong 200 mét phải bắn trúng đầu. Mỹ không quan tâm nhiều đến chiến thuật cũng như khả năng ngụy trang để tiếp cận mục tiêu và điều đó buộc họ phải thí quân khá nhiều trong cuộc chiến Normandy.

Nhưng trước Đệ nhị thế chiến, các tay súng Đức mới là số 1.

Sự vượt trội của người Đức

Đệ nhất thế chiến chứng kiến sự ra đời của các đạo quân sát thủ Đức trên chiến hào. Anh, Pháp và Đức cùng tung ra lực lượng bắn tỉa trong các cuộc đối đầu. Phần thắng luôn thuộc về các tay súng Đức mà cả Anh lẫn Pháp không hiểu tại sao. Họ không hiểu vì dù đã lùi khá xa so với chiến tuyến, song cứ hễ quân họ ló đầu lên khỏi chiến hào là bị bắn thủng sọ. Thoạt đầu, các tướng lĩnh nghĩ là xui xẻo dính lạc đạn. Nhưng đến khi họ phát hiện súng bắn tỉa của quân Đức có trang bị ống ngắm thì mới ngã ngửa. Đức đã đi trước đối phương trong công nghệ sản xuất ống ngắm, giúp các xạ thủ có thể bắn trúng mục tiêu từ những khoảng cách mắt thường khó nhìn thấy được. Và sự vượt trội này trở thành nỗi ám ảnh đối với quân Anh và Pháp trên chiến trường.



Sự thiếu chuẩn bị của Mỹ cùng nỗ lực gầy dựng lực lượng bắn tỉa của Đức khiến Mỹ phải thí quân thê thảm tại Normandy năm 1944. Sniper Đức ẩn nấp trong những khu vườn rậm rạp rồi từ đó họ quây quân Mỹ và nã đạn từ mọi phía. Cả quân Anh và Mỹ đều bị bất ngờ không hiểu vì sao lính bắn tỉa Đức lại có thể tiếp cận rất gần mình, thoải mái thịt binh lính như thể khai hỏa từ xa. Áp lực buộc quân Mỹ phải nằm rạp xuống bãi biển chờ đợi, không dám nhô lên và vô tình lại tạo thời cơ cho các tay súng Đức tỉa hết từ người này đến người khác. Họ chỉ rút khỏi vị trí và sau đó đầu hàng vì hết đạn và cũng vì quân số hai bên quá chênh lệch. Sau Thế chiến thứ hai, nhiều trang thiết bị và công nghệ huấn luyện lính bắn tỉa của người Đức đã được nhiều nước khác sao chép lại.

Năm 1915, Anh quốc bắt đầu thành lập trường đào tạo xạ thủ bắn tỉa đầu tiên do thiếu tá Hesketh Prichard chỉ huy. Prichard phát triển nhiều kỹ thuật bắn tỉa, trong đó có việc sử dụng ống ngắm và triển khai đội hình tác chiến. Đầu tư tuy trễ song vẫn đem lại hiệu quả. Trong những năm 1940, lính bắn tỉa Anh đã chứng minh được họ đủ mạnh để kiềm hãm các đợt tấn công của quân Đức trong cuộc tiến chiếm Dunkirk trong một thời gian khá dài.

Sự trỗi dậy của sniper Xô viết

Bao nhiêu người đã chết trên chiến trường Stalingrado? 759.560 quân nhân Liên Xô đã được trao tặng huân chương trong cuộc chiến bảo vệ thành phố kéo dài từ ngày 17.7.1942 - 2.2.1943. Có nhiều số liệu thống kê khác nhau về số thương vong: nhiều học giả cho rằng thương vong của phe trục khoảng 850.000, bao gồm 400.000 quân Đức, 120.000 quân Romania, 120.000 quân Hungaria và 120.000 quân Ý chết, bị thương hoặc bị bắt. Phía Liên Xô đưa ra con số 1,5 triệu quân của địch bị tiêu diệt trong khi Hồng quân thiệt hại 1.129.619 quân.

Cuộc chiến kinh điển kéo dài gần 200 ngày này cũng là cuộc đọ sức giữa hai lực lượng bắn tỉa Xô - Đức. Trong quãng giữa hai cuộc thế chiến, trong lúc nhiều quốc gia giải thể các đơn vị bắn tỉa thì Liên Xô là quốc gia duy nhất có những chương trình đặc biệt huấn luyện xạ thủ bắn tỉa, trong đó huấn luyện cả khả năng hợp đồng tác chiến với các đơn vị chủ lực. Định hướng này giúp các đơn vị bắn tỉa Liên Xô được tập trung nhiều hơn vào các trận chiến so với các quốc gia khác.

Trong thế trận phòng thủ giữa một Stalingrad đổ nát, các tay súng Xô viết chiếm ưu thế trong việc tìm chỗ ẩn nấp và nhận diện mục tiêu. Các đơn vị bắn tỉa được phía Hồng quân bố trí nhô cao hơn đơn vị chủ lực khoảng 200 - 300 mét, giữ nhiệm vụ bắn hạ những kẻ đi đầu. Những phát đạn khô khốc không biết xuất phát từ đâu trở thành nỗi ám ảnh đối với quân Đức. Không một binh sĩ nào dám rời khỏi nơi ẩn nấp và dĩ nhiên, chẳng ai còn dám đi đầu. Tay súng cừ nhất trong cuộc chiến này là đại úy Vasily Zaytsev với thành tích bắn hạ 225 quân Đức. Câu chuyện về Zaytsev sau được chuyển thể thành phim Enemy at the Gate (Quân thù trước cổng) vào năm 2001, kể về “trò chơi mèo vờn chuột” trong cuộc chiến Stalingrad giữa 2 sniper Đức và Hồng quân, trong đó tài tử nổi tiếng người Anh Jude Law thủ vai Zaytsev.



Kỳ cuối: Những điển tích về bắn tỉa





Sniper thuộc Lực lượng Cảnh sát mật Mỹ bảo vệ từ nóc Nhà Trắng - Ảnh: Wikipedia



Với khả năng giết người bất ngờ từ bóng tối và khó bị phản kích, bắn tỉa được sử dụng như một chiến thuật gây khủng hoảng tinh thần binh sĩ đối phương.

Stress vì bắn tỉa

Tàn bạo nhất trong chiến thuật này xảy ra trong cuộc chiến giữa người Hồi giáo Bosnia, quân Croatia và Bosnian Serbs trong cuộc chiến đầu thập niên 1990. Các tay súng bắn tỉa Serbia tại Sarajevo dùng bắn tỉa như một công cụ khủng bố. Họ bắn hạ bất cứ ai bước ra đường, cho dù đó là binh sĩ hay thường dân, người lớn hay trẻ em. Kết quả: không ai dám ra đường. Song những tay súng này đáng bị đưa ra tòa án quốc tế như những tội phạm chiến tranh vì giết người có chủ ý, ngay cả đối với người không tham chiến.

Trong chiến tranh, các sniper tác động mạnh đến tâm lý đối với binh sĩ tham chiến còn hơn cả những bãi mìn, bẫy mìn hoặc bom đặt dưới đường. Để tiêu diệt tinh thần đối phương, sniper thường áp dụng một số chiến thuật có thể tiên đoán trước được.

Trong cuộc Cách mạng Cuba ngày 26.7.1959 lật đổ chế độ độc tài của Fulgencio Batista, quân đội cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo sử dụng chiến thuật cứ nhắm người đi đầu tiên trong hàng ngũ của Batista mà bắn. Nhận ra điều đó, không binh sĩ nào của Batista dám là người tiên phong vì hiểu “như thế là tự sát”. Chiến thuật này đã khiến quân lính của Batista sợ hãi thấy rõ trong các cuộc truy lùng căn cứ quân cách mạng trong rừng.

Một chiến thuật quan trọng nữa cũng hay được áp dụng là “chỉ nhắm bắn kẻ đứng thứ nhì trong hàng”, gây ra tâm lý không ai dám theo sau sĩ quan chỉ huy.

Điển tích bắn tỉa

Cụm từ “one shot, one kill” (mỗi phát một mạng) đã trở thành khẩu hiệu kiêu hùng của sniper. Khả năng bắn một phát đạn, hạ một kẻ địch rồi lập tức thay đổi chỗ nấp cực kỳ quan trọng đối với sniper vì nó hạn chế khả năng định vị nơi phát ra tiếng súng. Dù thực tế, không phải lúc nào các sniper cũng thành công 100%.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu khai hỏa ở khoảng cách 200 - 400 mét, tỷ lệ thành công là 80 - 90%, cao hơn 90% nếu khoảng cách dưới 200 mét. Trong chiến tranh, sniper thường phải khai hỏa ở cự ly xa hơn 300 mét. Do đó, họ hay chọn phương án bắn trúng cơ thể hơn là trúng đầu và hy vọng những thương tổn nội tạng, mất máu nhiều sẽ gây ra cái chết.

Trong lực lượng cảnh sát, sniper thường được sử dụng cho nhiệm vụ giải cứu con tin. Theo đó, các sniper sẽ được triển khai bên cạnh các nhà đàm phán, được huấn luyện theo phương châm “giết một mạng để cứu một mạng”. Sniper cảnh sát thường hạ thủ trong khoảng cách dưới 100 mét, song đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối theo thuyết “one shot kill” (một phát lấy mạng). Vụ can thiệp nổi tiếng nhất gần đây của sniper cảnh sát diễn ra tại Marseille (Pháp): một cảnh sát tay cầm súng lục đòi tự sát đã bị một sniper nhắm bắn từ cự ly 80 mét, phát đạn bắn trúng và phá hủy khẩu súng, vụ tự sát được ngăn chặn.

Nhiều người lý giải không phải vô cớ thành ngữ “one shot, one kill” đã trở thành điển tích, ít nhất là trong tiểu thuyết và phim ảnh.

Chiến tranh Iraq

Năm 2001 rồi 2003, Mỹ dẫn đầu liên quân tiến chiếm Afghanistan, Iraq và thiết lập chính quyền mới tại các nước này. Trên bảng chiến tích của các sniper nổi tiếng bắt đầu xuất hiện các xạ thủ của liên quân như: Hạ sĩ Canada Rob Furlong giữ kỷ lục bắn hạ mục tiêu xa nhất: 2.430 mét, trong chiến dịch Anaconda, Afghanistan; thượng sĩ Mỹ Timothy Kellner hạ 139 quân nổi dậy cùng khoảng hơn 100 quân nổi dậy khác chưa được chính thức xác nhận trong chiến dịch Operation Iraqi Freedom. Tuy nhiên, không lâu sau đó, lực lượng liên quân phải đối đầu với cuộc chiến tranh du kích với các lực lượng Iraq nổi dậy.

Tháng 11.2005, Ngũ Giác Đài phải thừa nhận 28 trong số 2.100 binh sĩ Mỹ tử trận tại Iraq là do bị bắn tỉa. Cũng trong năm này, một đoạn video được phát tán trên internet, ca tụng một nhóm nổi dậy người Sunni có tên gọi Lực lượng Hồi giáo Iraq (IAI) đã chiếu cảnh nhiều lính Mỹ bị sniper của IAI bắn hạ. Tháng 10. 2006, thông tin tình báo Mỹ cho biết sniper bắn tỉa Iraq đang nhắm vào cuộc chiến tranh tâm lý bằng chiến thuật bắn hạ các kỹ sư, nhân viên y tế và cha tuyên úy trong quân đội. Cùng lúc, video clip thứ 2 được tung ra với tên gọi Juba - the Baghdad Sniper 2, được ca tụng là tay bắn tỉa cự phách trong lực lượng IAI, tự nhận đã bắn hạ 37 quân Mỹ. Juba là ai và có là người thật hay chỉ là một nhân vật không có thật do IAI dựng lên thì chưa xác định được, chỉ biết đoạn phim chiếu cảnh tay súng này đang ngồi sau một bức tường có khắc tên khoảng 300 binh sĩ Mỹ mà hắn khẳng định đã bắn hạ.



Không dễ bắn trúng


Ống ngắm model Swift 687M giúp các sniper có thể điều chỉnh độ rơi của viên đạn - Ảnh: Wikipedia


Phim ảnh dễ cho chúng ta cảm giác cứ chĩa nòng súng vào đầu mục tiêu, khi chữ thập hiện ngay trán hoặc ngực mục tiêu, siết cò thì sẽ bách phát bách trúng. Mọi chuyện không đơn giản như vậy.



Thực tế do viên đạn có trọng lực nên đường đi của viên đạn luôn là một đường cong đi xuống. Bên cạnh đó, khoảng cách, sức gió và tốc độ di chuyển tương đối của mục tiêu so với tốc độ của viên đạn (thường khoảng 800m/giây) cũng sẽ tác động rất lớn đến độ chính xác của phát bắn. Nếu sử dụng loại đạn chuẩn của NATO 7.62 x 51 mm thì độ rơi của viên đạn ở 2 khoảng cách 700 - 800m sẽ khác biệt nhau là 200 mm. Điều đó có nghĩa nếu sniper ước tính khoảng cách giữa mình và mục tiêu là 700m, nhưng nếu thực tế là 800m, thì viên đạn sẽ găm trúng phía dưới mục tiêu 200 mm. Hiện có một số ống ngắm được trang bị hệ thống Bullet Drop Compensation (tính được khoảng bù trừ độ rơi của viên đạn).



Bắn từ dưới lên hoặc từ trên cao xuống luôn làm đau đầu các sniper do độ rơi của viên đạn thay đổi. Bên cạnh đó, sniper phải tính thêm sức gió, thời gian để viên đạn găm trúng vào mục tiêu, tác động của gia tốc để có thể điều chỉnh chế độ bắn phù hợp.







nguồn TNOL.
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 01:41 PM



 
© 2008 - 2024 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.