Ở tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, ngoài những tình tiết phiêu lưu ly kỳ những chiêu thức đánh nhau ngoạn mục, thì có một điều làm văn ông hồi hộp khác hẳn những cây bút viết “chưởng” khác, đó là việc tiên sinh dần dần từng tí kiên nhẫn vạch trần những đàn ông mang vẻ cao đạo. Độc giả thót tim nhẹ nhõm thở phào khi thấy lần lượt các mặt nạ Nhân, Nghĩa, Lẽ, trí, Tín của mấy tay đạo đức giả từ từ tụt xuống, đặc biệt có kẻ còn lộ nguyên hình là thằng mặt người dạ thú.
Để có được bút lực gai sắc thâm hậu ấy, người đọc đồ rằng cuộc đời của chính Kim Dung chắc cũng phải thăng trầm đa đoan lắm. Bởi từ xưa đến nay, để nhìn cho thấu chân diện của một ngụy quân tử là việc thiên nan vạn nan kinh khủng khó.
Tôi là người mê truyện kiếm hiệp từ nhỏ. Mê đến mức lúc còn học tiểu học ở Hà Nội đã từng bị mẹ đánh đòn vì dám vác đèn dầu trốn lên sân thượng tầng 3 để đọc ngấu nghiến các bộ kiếm hiệp thuộc loại “best seller” hồi đó như Bồng lai hiệp khách,Giao trì hiệp nữ... Sau này thì bắt đầu mê đắm thế giới chưởng dầy ma mị của Kim Dung với Anh hùng xạ điêu, Cô gái Đồ long, Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp ..v.v... Mà thực ra, tôi cũng chỉ là một trong hàng triệu triệu fan của Kim Dung trên toàn thế giới, trong đó người Việt ta chắc cũng chiếm đến con số hàng triệu. Tôi đã đọc các bài viết của nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học như Vũ Đức Sao Biển, Phạm Tú Châu, ông Văn Tùng, Vương Trí Nhàn, Bửu Ý... bày tỏ những cảm nhận, đánh giá về truyện chưởng Kim Dung
Dưng từ nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh rất nhiều điều đồng cảm, mỗi người đều có những điều tâm đắc riêng rất thú vị. Tôi cũng vậy, điều tâm đắc nhất của tôi chính là quan điểm hết sức “đời" của Kim Dung về "Chính-tà".
Triết học và văn hóa truyền thống phương Đông tách bạch rất rạch ròi hai khái niệm này với sự phân biệt hai loại người: Tiểu nhân và quân tử. Nhưng đối với Kim Dung, sự rạch ròi đó không còn nữa. Trong mỗi con người, cái “chính”, cái “tà” luôn luôn hiện hữu, đan xen, giằng xé, mâu thuẫn, và không ngừng biến đổi cả trong nội tâm lẫn hành động. Không có sự tuyệt đối trong các khái niệm Chính/Tà, Quân tử/Tiểu nhân. Từ quan điểm khách quan và rất thực tế đó, Kim Dung có cách nhìn cảm thông, nhân bản đối với từng nhân vật của mình, cho dù họ được giới giang hồ liệt vào 'Tà phái" hay "Chính phái”!
Song Kim Dung lại hết sức khắt khe, thậm chí khinh bỉ ra mặt đối với những kẻ giả dối (trá ngụy) mà ông gọi là kẻ “ngụy quân tử”. Tác phẩm nào của Kim Dung cũng có mặt những kẻ như vậy, nhưng có lẽ nhân vật ngụy quân tử thành công nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc chính là Nhạc Bất Quần trong Tiếu ngạo giang hồ. Là chưởng môn phái Hoa sơn trong Ngũ nhạc kiếm phái (bao gồm: Thái sơn, Hằng sơn, Tung sơn, Hoa sơn và Hành sơn) với danh xưng Quân tử kiếm, Nhạc Bất Quần là hiện thân đẹp đẽ của người quân tử, là đại diện xứng đáng nhất của các "danh môn chính phái” trong võ lâm. Vậy mà tất cả chỉ là cái vỏ ngoài đẹp đẽ đã được ông ta tạo ra một cách khéo léo tinh vi để che đậy những dã tâm, những hành vi hèn hạ, xấu xa, tàn độc, phi nhân tính của một kẻ tiểu nhân tồi tệ nhất. Sự trá nguỵ được che đậy “siêu” đến mức nhiều người chỉ kịp nhận ra chân tướng của ông ta khi sắp bị ông ta ra tay sát hại.
Để đạt được mục đích, họ Nhạc sẵn sàng lừa vợ, dối con, vu cáo và hãm hại đệ tử, đồng đạo võ lâm. Tất nhiên Kim Dung đã dành cho nhân vật đặc biệt này một kết cục bi thảm: gia đình tan nát, bị mọi người vạch mặt, chỉ tên và bị chết dưới tay kiếm của một ni cô thánh thiện - Nghi Lâm, có bản chất hoàn toàn đối lập với ông ta - chưa bao giờ biết đến sự dối trá, oán thù. Kim Dung “dị ứng” với loại “ngụy quân tử” này có lẽ do ông nhận thức được những hiểm họa khôn lường mà chúng có thể đem đến cho cộng đồng, cho xã hội. Đến mức ông đã phải cho một nhân vật nói thay mình "Thà làm chính hoặc tà còn hơn làm nguỵ quân tử”.
Càng tâm đắc với Kim Dung bao nhiêu thì càng buồn bấy nhiêu khi quay về với thực tại và nhận ra rằng xung quanh mình ở đâu cũng có bóng dáng ngụy quân tử. Có vẻ như con cháu, đệ tử “chân truyền” của ngụy quân tử kiếm Nhạc Bất Quần ngày càng sinh sôi phát triển không chỉ trong thế giới giang hồ của Kim Dung mà ngay trong mọi ngóc ngách của xã hội ngày nay. "Đồ đệ" của Nhạc Bất Quần thì chắc chắn là thời nào cũng có, nhưng hình như cái giai đoạn quá độ từ bao cấp sang kinh tế thị trường này mới thực là “thời” của ngụy quân tử thì phải.
Ngành nào, giới nào cũng có. Báo chí đã vạch mặt chỉ tên không ít những gương mặt ngụy quân tử điển hình: nào là công an lại đi bảo kê cho băng nhóm xã hội đen, thẩm phán, luật sư lại nhận tiền chạy án, nhà báo cách mạng “gộc" mà lại trở thành bồi bút tiếp tay cho tội phạm, nhà giáo mà nhận tiền chạy trường, chạy điểm, kẻ luôn mồm giáo huấn về tham nhũng lại tham nhũng, lãng phí kinh người, kẻ tuyên truyền bảo vệ môi trường lại gây ô nhiễm môi trường... Còn nữa, những nhạc sỹ đạo nhạc, họa sỹ đạo tranh... thì cũng đều thuộc họ nhà Ngụy cả? Nhưng thực ra công luận cũng chỉ mới biết được rất ít. Còn rất nhiều ngụy quân tử khác còn chưa bị vạch mặt chỉ tên do "trình độ trá ngụy” quá cao siêu hoặc do xã hội chúng ta chưa đủ “công lực” cần thiết để hóa giải các chiêu thức ma giáo của họ.
Nhưng số lượng chưa đáng sợ bằng “chất lượng" của các nguỵ quân tử. Có thể thấy rõ là phải có trí thức, thậm chí phải có chức quyền thì mới có thể làm ngụy quân tử được chứ một anh phó thường dân mù chữ hoặc chưa được phổ cập tiểu học thì có muốn cũng không thể thành ông "ngụy quân tử” được, cùng lắm thì cũng chỉ làm được cái anh “chân quân tử” mà thôi! Cái xấu, cái ác, cái dối trá lại được trợ lực bởi tri thức và chức quyền thì chắc chắn sẽ là hiềm hoạ thực sự của xã hội.
Nguy hiểm hơn, nguỵ quân tử đang lây lan trong cộng đồng như một bệnh dịch. Đã xuất hiện những tập thể ngụy quân tử với sự đồng loã trong các hành động xấu xa, trá ngụy. Chẳng hạn : các đường dây tham nhũng, các báo cáo thành tích dối trá để chạy danh hiệu, chạy huân chương v.v... Phải tìm cách ngăn chặn bệnh dịch này, chứ cứ để nó tự do lây lan phát triển đến mức biến thành “văn hoá ngụy quân tử” thì coi như “vô phương cứu chữa".
Đã có nhiều bài viết về căn bệnh hám danh, mà thường chỉ là danh hão: viện sỹ rởm, danh nhân rởm, thiên tài rởm... Cũng là một căn bệnh của kẻ có trí thức và chức quyền. Không biết có cùng nguồn gốc virus với nguỵ quân tử không?
Nhưng rất may là bệnh này chưa biến thành dịch, và cũng không thể mang lại hiểm họa lớn cho xã hội như bệnh dịch ngụy quân tử. Hy vọng đây là bài viết đầu tiên nhưng không phải cuối cùng về bệnh dịch này.
Viết đến đây, tự nhiên thấy chột dạ không biết mình đã bị lây nhiễm nguỵ quân tử chưa nhỉ? Biết đâu chính tôi cũng đã bị “dính" rồi thì sao? Và bài viết này chính là kết quả xét nghiệm chính xác nhất?