Các tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới ra sức cải tiến công nghệ cho phù hợp tiêu chuẩn khí thải và sự thất thường của giá nhiên liệu. Xe điện trở thành một trong các hướng phát triển, bên cạnh công nghệ hybrid và diesel sạch.
Nhìn lại lịch sử phát triển của xe điện, chúng ta hãy cùng đến với 6 chiếc xe là dấu mốc quan trọng của công nghệ mới mẻ này theo bình chọn của MSNbc.
1922 - Detroit Electric model 90
Xe điện đã được phát triển từ khá lâu. Thậm chí chúng còn thông dụng hơn xe chạy xăng vào thời kỳ đầu của xe hơi. Do khó khăn trong việc khởi động xe bằng cách quay tay (như những chiếc công - nông ở Việt Nam hồi thế kỷ trước) nên xe điện rất được phụ nữ ưa chuộng. Và theo các nhà sử học, cũng vì được phụ nữ ưa chuộng mà xe điện trở thành kiêng kỵ đối với các quý ông, không người đàn ông nào muốn bị bắt gặp đang ngồi trên một chiếc ôtô chạy điện!
Có nhiều hãng sản xuất xe điện vào thời đó như Babcock Electric (1916 - 1912), Baker Electric (1899 - 1916), Ohio Electric (1908 - 1918)… Detroit Electric là nhà sản xuất xe điện nổi tiếng nhất và tồn tại lâu nhất, từ 1907 đến tận 1942. Chính vợ của Henry Ford, Clara Ford, đã nảy sinh mâu thuẫn với chồng khi không lựa chọn sản phẩm của gia đình là Model T, thay vào đó là một chiếc Detroit Electric 1914. Bà thường dùng chiếc xe đó để đi thăm bạn bè và họ hàng.
1974 - Serbing-Vanguard Citicar
Trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng năng lượng những năm 1970, Serbing - Vanguard Citicar được lựa chọn thay cho các phương tiện giao thông khác, tạo nên cơn sốt xe cỡ nhỏ. Cho tới 1977, nhà sản xuất đã bán được tới 2.300 chiếc Citicar có giới hạn chạy 80 km và tốc độ tối đa 45 km/h. Khách hàng cũng có thể lựa chọn nâng cấp từ phiên bản 3,5 mã lực lên 5 mã lực với tốc độ tối đa lên khoảng 60 km/h.Vỏ nhựa có tới 5 lựa chọn màu. Thiết kế nhỏ gọn giúp bán kính quay xe chỉ có 3m.
Đến 1976, số lượng Citicar tiêu thụ đã đưa Serbing - Vanguard lên vị trí thứ 6 tại Mỹ (sau GM, Ford, Chrysler, AMC và Checker).
Sau đó, tập đoàn Commuter Vehicles đã mua lại thiết kế Citicar và đổi tên là Commuta - Car. Phiên bản nâng cấp được tiếp tục sản xuất vào năm 1979, có khoảng 2 nghìn chiếc Comuta-car và Comuta-van đã được xuất xưởng. Với 4.300 chiếc, Citicar, hay Comuta-car, hiện đang giữ kỷ lục về lượng xe điện sản xuất trong lịch sử ngành ôtô.
1996 - General Motor EV1
Những năm đầu thập kỷ 90, GM đã đổ hàng tỷ USD vào nghiên cứu xe điện và cho ra đời mẫu xe điện đầu tiên của hãng - EV1. Thế hệ đầu tiên của EV1 gắn ắc quy chì - axit, giới hạn chạy từ 120 đến 160 km. Thế hệ thứ 2 thay bằng ắc quy niken hydrua nâng giới hạn chạy lên 120 đến 240 km nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dùng khi đó. Mặc dù được coi là chiếc xe điện tốt nhất thế giới nhưng EV1 vẫn không thể so sánh với động cơ đốt trong.
Một vấn đề nữa là giá của chiếc xe. GM chỉ cho phép thuê EV1 trong 3 năm hoặc 48 nghìn km với giá từ 34 nghìn đến 44 nghìn USD. Giải pháp duy nhất cho EV1 là ngừng sản xuất do không thể hòa vốn.
2002 - Ford Th!nk City
Cháu trai của Henry Ford, Bill Ford, đã mạo hiểm đưa tập đoàn của mình vào nghiên cứu công nghệ xe sạch sau khi ông lên làm chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ford. Khởi đầu bằng việc mua lại hãng sản xuất xe điện Nauy - Th!nk. Th!nk từng nổi tiếng từ trước đó với những chiếc xe sân gôn đáng tự hào, nhưng với City, thương hiệu này mới có được một chiếc xe thực thụ.
Th!nk City là chiếc xe điện đầu tiên trên thế giới vượt qua kiểm tra va đập và đủ chất lượng chạy đường cao tốc năm 2008. Tốc độ tối đa 105 km/h và giới hạn chạy 210 km/1 lần sạc, tăng tốc lên 50 km/h trong 6,5 giây và lên 80 km/h trong 16 giây.
Tuy nhiên, vào năm 2002, khi Th!nk vẫn còn trong tay Ford, City từng bị thu hồi rất nhiều do các lỗi kỹ thuật. Ford đã quyết định dừng chiến dịch quảng bá cho City và bán lại cho một tập đoàn sản xuất xe điện của Thụy Sĩ, những chiếc City được xuất khẩu ngược lại Nauy do nhu cầu xe điện tại đây đang cao. Th!nk City được sản xuất tiếp vào năm 2007.
2008 - GEM e4
Chrysler đã đầu tư vào hãng sản xuất xe điện Global Electric Motocar họ nhận thấy tiềm năng của thị trường xe điện tốc độ thấp hay còn gọi là NEV (Neighborhood electric vehicle).
Mặc dù chỉ có vận tốc tối đa 40 km/h và giới hạn chạy 48 km nhưng những chiếc xe của GEM được ứng dụng khá rộng rãi và phù hợp yêu cầu của nhiều loại hình công việc. 6 mẫu xe cơ bản của GEM là e2 (2 chỗ), e4 (4 chỗ), e6 (6 chỗ), eS, eL, eL XD (thêm giá chở hàng phía sau) được sử dụng hàng ngày trong các mục đích như đi dạo, tuần tra đường phố hoặc công viên, chớ khách du lịch, bán hàng lưu động, sử dụng trong bệnh viện, sân bay hay sân gôn…
Đến nay, hơn 35 nghìn chiếc GEM đã được sản xuất và tiêu thụ và tiềm năng của GEM vẫn còn rất lớn.
2011 - Chevrolet Volt
Bước phát triển tiếp theo của ngành công nghiệp xe điện được trông chờ vào Chevy Volt, hứa hẹn sẽ được đưa ra thị trường với phiên bản 2011. Mặc dù được Hiệp hội kỹ sư ngành ôtô xếp loại vào xe plug-in hybrid (hybrid sạc điện gia dụng), nhưng nhà sản xuất lại tránh dùng từ “hybrid” để chỉ chiếc xe của họ.
Thay vào đó, nó được mô tả là chiếc “xe điện được mở rộng giới hạn nhờ động cơ đốt trong”. Ý kiến này bắt nguồn từ việc Volt không nối trực tiếp giữa động cơ đốt trong và trục xe, động cơ chỉ đóng vai trò như một máy phát điện, khác với thiết kế hybrid hiện nay. Giới hạn chạy điện của xe là 65 km, sau đó xe sẽ được chuyển sang chạy xăng. Điều đó có nghĩa là với những người đi quãng đường ngắn trong nội thành thì về cơ bản Volt là xe điện!
Khác với chiếc xe điện đầu tiên - EV1, lần này Volt có thiết kế 4 chỗ, tốc độ tối đa lên đến 160km/h, dung tích ắc quy cũng được giảm từ 300L ở EV1 xuống 100L. Xe sử dụng hệ thống động lực Voltec sau này sẽ trở thành hệ thống tiêu chuẩn chế tạo cho xe điện trong tương lai.
Tuy nhiên một lần nữa giá cả lại là vấn đề với GM. Volt từng được ấn định giá khởi điểm 40 nghìn USD nhưng mức giá đó không thể giúp GM sinh lãi. Với hỗ trợ từ phía chính quyền, giá của chiếc xe có thể giảm xuống mức 32.500 USD. Liệu Volt có phải lựa chọn tốt trong danh sách xe hybrid ngày một dài hay không còn là câu hỏi khó.
Theo
MSNBC