Tác giả: AutoNet
Tính đến nay đã gần 10 ngày triển khai việc phân làn giao thông tại Hà Nội, nhưng bất kì ai di chuyển trên những con phố được phân làn đều thấy tình trạng các chủ phương tiện thường xuyên đi vào làn đường không dành cho xe của mình. Nguyên nhân là do đâu?
Ý thức người dân chưa cao.
Để giải quyết bài toán tắc đường, thành phố Hà Nội đã tổ chức phân làn đường dành các loại phương tiện riêng biệt từ ngày 20/09/2011, trên các tuyến; phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Kim Mã, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân và Giải Phóng. Từng bước người dân đã làm quen và chấp hành việc phân làn, nhưng không phải đại đa số những người tham gia giao thông đều tuân thủ đúng với việc phân làn như hiện nay.
Cho đến nay, đã gần 10 ngày tổ chức phân làn giao thông, tuy nhiên tính hiệu quả của việc phân làn này thực sự chưa cao. Mặc dù bên cạnh các tuyến phân làn đều có lực lượng thanh tra giao thông hướng dẫn tại các tuyến phố và khu vực phân làn, thế nhưng, chỉ cần vắng bóng họ là các phương tiện tham gia giao thông lại trở nên lộn xộn, đặc biệt là xe gắn máy thường xuyên đi đè vào phần đường không dành cho mình, thậm chí ngay sau dải phân cách và tự ý chuyển làn sang phần đường dành cho xe ôtô.
Ý thức của một số người tham gia giao thông chưa cao
Nhiều chủ phương tiện xe máy rẽ trái từ các tuyến phố khác vào tuyến phố có phân lànn vẫn ung dung đi ép sát lề trái là phần đường dành cho xe ôtô - nằm bên trái của đường phân làn, họ chẳng mảy may chú ý tới các biển báo ngay cả khi có mặt lực lượng thanh tra giao thông đang đứng làm nhiệm vụ hướng dẫn.
Có chăng việc chấp hành đi đúng phần đường có dải phân cách trên chỉ là đi cho có lệ?
Đấy là còn chưa nói tới giờ cao điểm, những tấm biển chỉ dẫn đi đúng phần đường trở nên vô tác dụng. Các hàng xe máy vô tư đi vào phần đường dành cho xe ôtô vì muốn chen lên phía trước, “chỗ nào rộng là ta cứ đi”. Điều này dễ làm liên tưởng tới văn hoá xếp hàng của người dân Việt Nam còn quá mơ hồ, không chủ phương tiện nào chịu nhường phương tiện nào. Lấy ví dụ về việc phân làn tại các nước khác trên thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản, Trung Quốc, cho dù một làn đường có tắc chật cứng hàng km, thì họ cũng không chuyển làn vô tội vạ gây ra tình trạng giao thông lộn xộn như ở Việt Nam.
Việc xe máy đi vào phần đường dành cho ôtô khá phổ biến và không khó bắt gặp cảnh tượng này nhưng bên cạnh đó, nhiều xe ôtô muốn dừng đổ cạnh vỉa hè cũng khá lúng túng vì không hiểu mình có phạm luật hay không khi đi vào làn đường dành cho xe máy. Anh Trung – một khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng trên phố Xã Đàn đã rất lúng túng bởi ngân hàng anh cần giao dịch nằm ngay nơi có dải phân cách, xe ôtô muốn dừng tại đó sẽ phải đi lấn ngay vào phần đường của xe máy. Hiện tại chưa có qui định xử phạt nhưng sau này bắt đầu xử phạt không hiểu anh sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào?
Cơ sở hạ tầng còn non kém.
Trước đây, việc tổ chức phân làn giao thông đã được thực hiện ở tuyến phố Kim Mã, Hà Nội, nhưng việc này chỉ hiệu quả ở những đoạn thẳng từ đại sứ quán Thuỵ Điển cho tới khách sạn Daewoo. Lí do là vì đoạn đường này rộng, không có ngã tư giao cắt. Thế nhưng, nhìn vào tình hình giao thông hiện tại thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Về vấn đề này, không thể đổ hết lỗi cho ý thức người dân yếu kém đi sai làn mà một phần do các phương tiện cần chuyển làn rẽ sang phố khác ở các điểm giao cắt gây ra sự xung đột phức tạp lớn. Có thể nói việc này là do việc tổ chức chuyển làn chưa hợp lý và cơ sở hạ tầng đường xá của Hà Nội chưa đủ để đáp ứng lưu lượng phương tiện di chuyển quá lớn trong thời điểm hiện tại. Các tuyến phố vừa phân làn có quá nhiều các tuyến giao cắt cho nên hỗn loạn giữa các điểm giao cắt là điều hiển nhiên sẽ xảy ra.
Nhìn lại những con phố vừa được tổ chức phân làn, thì phố Huế, Bà Triệu Đại Cồ Việt cũng được xếp vào hàng rộng ở Hà Nội nhưng có quá nhiều các ngã tư giao cắt gây nên tình trạng lộn xộn mỗi khi các phương tiện muốn rẽ sang hướng khác. Tiêu biểu như đoạn từ ngã tư Bà Triệu – Trần Hưng Đạo đi xuống để rẽ ra Hàm Long, từ đầu ngã tư trên đoạn đường này vừa có dải phân cách chia làn đường nhưng nếu chủ phương tiện xe máy chỉ cần muốn chuyển hướng rẽ sang phố Hàm Long là tình trạng lộn xộn sẽ xảy ra. Trong khi đó các ôtô đi từ Thợ Nhuộm, Trần Hưng Đạo rẽ phải đi xuống phố Bà Triệu cũng gặp khó khăn không biết phải xử lý thế nào.
Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập
Trước đó, vào các năm 2008 và 2009, hai tuyến đường Giải Phóng và Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân đã được Sở Giao thông Hà Nội phân làn cho ô tô, xe máy, xe đạp đi theo làn đường riêng. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay, việc phương tiện lưu thông lộn xộn, lấn làn đường vẫn rất phổ biến.
Theo ý kiến của một số chuyên gia giao thông thì hiện nay, với tình trạng hạ tầng kỹ thuật hạn chế, cũng như ý thức của người tham gia giao thông còn yếu kém, Hà Nội rất khó thực hiện phân làn giao thông trong nội thành.
Cần kiên quyết xử lý vi phạm.
Theo kế hoạch trên các tuyến đường sẽ phân làm 2 làn: Làn dành cho ô tô, xe tải và làn dành cho xe máy, xe thô sơ. Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm bố trí sơn kẻ vạch, chữ và hình vẽ từng loại phương tiện trên mặt đường, lắp đặt biển báo giao thông hướng dẫn phương tiện tách làn và chuyển làn, bên cạnh đó sẽ thu hồi các giấy phép cấp cho các tổ chức, cá nhân đỗ xe dưới lòng đường. Sau 2 tuần triển khai hướng dẫn, phân luồng từ xa, lực lượng chuyên ngành sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt kiên quyết từ 1-1,4 triệu đồng đối với ô tô và từ 100.000 - 200.000 đồng đối với xe gắn máy.
Cần mạnh tay hơi với những phương tiện vi phạm
Để tạo thông thoáng trên các tuyến phố có phân làn. Sở GTVT sẽ không bố trí các điểm trông xe dưới lòng đường; rà soát các điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên vỉa hè, tạo thuận lợi cho người đi bộ... Bên cạnh đó, theo kế hoạch, riêng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sẽ bị gửi danh sách về nơi công tác để phối hợp xử lý. Danh sách người vi phạm công tác tại các cơ quan trực thuộc thành phố còn bị gửi thông báo về Sở Nội vụ để đánh giá thi đua hằng năm của từng cơ quan.
Khi được hỏi về việc các đối tượng đi sai làn đường, một cán bộ Thanh tra Giao thông trên trục phố Bà Triệu cho biết: “Đa phần người dân khi đi thẳng đều đi đúng làn đường của mình. Những trường hợp đi sai làn là do khi rẽ trái lúc đường đông nên họ khó có thể đưa xe vào đúng làn đường của mình. Những trường hợp như vậy thì TTGT cũng đành để họ đi qua. Cũng có một vài trường hợp cố tình đi sai làn đường nhưng đa phần là xe máy lấn sang làn đường của ôtô và người điều khiển phương tiện thường là thanh niên".
Được biết, từ nay cho đến hết tháng 9, người điều khiển phương tiện đi sai làn vẫn sẽ chỉ bị nhắc nhở chứ chưa xử phạt hành chính. Nhưng theo ý kiến của nhiều người tham gia giao thông thì hiện nay, với mật độ xe máy, ô tô dày đặc mỗi khi vào giờ cao điểm thì trong thời gian thí điểm vẫn cần chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các phương tiện vi phạm. Có như vậy, khi quy định phân làn có hiệu lực chính thức thì người dân mới thực hiện một cách nghiêm túc.
Nguyễn Tuấn - Thảo Đỗ