PDA

View Full Version : Bao giờ cho hết kẹt xe


thanhlong_company
25-05-2012, 11:12 PM
Tầm nhìn hạn chế của nhà quản lý, người tham gia giao thông tùy tiện khiến cho vấn đề kẹt xe ngày càng giống như thứ giặc, giống như giặc đói, giặc dốt ngày xưa.

Hậu quả mà nó tạo ra thật đau lòng. Hàng ngày có biết bao người lỡ việc, bao nhiêu lít xăng, lít dầu mang đốt mà chẳng sinh ra chút lợi ích nào ngoài việc tạo điều kiện cho bệnh đường hô hấp hoành hành, vì phải đứng chờ dưới trời nắng, trời mưa, hít vào phổi khí độc hại.
Sau những tai nạn là đau đương và ám ảnh vì ai đó đã mất đi người thân yêu, hay những người tàn tật suốt đời không chỉ là nỗi buồn, sự vất vả của gia đình họ, mà còn là gánh nặng của toàn xã hội. Những cái đó chẳng thể quy ra tiền. Vậy kẹt xe từ đâu mà ra vậy? Bài viết này xin đưa ra một số nhận định mang tính cá nhân, theo sự hiểu biết hạn hẹp của tác giả, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của tất cả các bạn.
http://image.tin247.com/vnexpress/111107003709-766-322.jpg
Mỗi buổi sáng, đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) oằn mình chống chịu phương tiện tham gia giao thông chật kín. Nhà vẫn xây, đường vẫn vậy, tắc lại càng tắc hơn

Để hiểu được nguyên nhân sâu xa của vấn đề xin ngược về quá khứ 20 năm trước. Vào những năm 80, 90 trên truyền thông thỉnh thoảng nói đến kẹt xe. Nhưng đó là nước ngoài.
Một lần nghe tin tắc đường ở thủ đô Bangkok Thái Lan, ông cụ nhà tôi sau hơi thuốc lào, lim dim phả khói phán một câu: "Ai bảo giàu làm gì để rồi không có đường mà đi, nghèo như mình mà sướng". Thời đó, xe máy là khối tài sản lớn thì tắc đường thật không tưởng. Chẳng thế mà nhà văn Tố Hữu còn có câu thơ “Đường ta rộng thênh thang tám thước”.
Ai từng sống ở TP HCM từ đầu thập kỷ 90 trở về trước chắc còn nhớ những con đường một thời được gọi là đại lộ như đường 3-2, Lý Thường Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vào giờ hành chính, thậm chí còn không có người qua lại chứ đừng nói đến những con đường như Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương vắng bóng người xe cả ngày lẫn đêm.
Nói lan man cái chuyện ngày xửa ngày xưa để làm gì vậy. Để thấy rằng cái chuyện kẹt xe đã có ở xứ Xiêm từ hồi ấy nhưng đó là chuyện của người, còn ta thì “tám thước” vẫn là thênh thang. Điều này có phải vì tầm nhìn hạn hẹp của các nhà lãnh đạo xứ ta hay các bác ấy còn điều khác phải suy nghĩ.
Liệu các bác ấy có thấy rồi sẽ đến lúc đất nước phát triển, những vấn đề nước bạn gặp phải thời đó rồi cũng sẽ lặp lại ở nước ta nếu ta không chủ động phòng tránh. Nước mình phát triển sau có lợi là học học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các nước đi trước, từ đó tránh được viên đá người vấp phải. Nhưng chỉ “người sáng mắt” mới tránh được, còn “người mù” thì cứ tiếp tục vấp.
Tôi có dịp đi Trung Quốc công tác vài lần, đến một số nơi vùng sâu, vùng xa của họ. Mặc dù dân họ cũng còn nghèo nhưng cơ sở hạ tầng lại quá tốt. Những con đường cao tốc dài hàng trăm cây số nối thành thị với nông thôn, ba làn xe mỗi bên hầu như không có xe chạy. Thiết nghĩ tiền thu phí xe không đủ để trả lương cho người làm việc ở các trạm thu phí thì đến bao giờ mới hoàn vốn xây dựng đường. Tôi có đem thắc mắc này hỏi người bạn Trung Quốc thì được giải thích: “chính phủ làm đường không phải cho hôm nay, ngày mai mà là cho muôn đời sau”. Đó là tầm nhìn của người lãnh đạo.
Ở ta thì sao, có thể ta còn nghèo, không thể làm những cái kiểu như cho muôn đời sau như ở Trung Quốc, nhưng ít ra ta cũng tránh được một phần, ngay từ đầu phát triển kinh tế một cách hợp lý. Tránh kiểu chỗ một hạt gạo không có mà ăn, chỗ thì có thể ăn bát phở đến bảy tám trăm ngàn. Bao nhiêu nguồn lực tập trung hết vào hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM tạo ra mất cân bằng kinh tế nghiên trọng ấy là do đâu?
Quy luật “nước chảy chỗ trũng”, thử hỏi các bác trên diễn đàn hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội và TP HCM, có bao nhiêu bác là người gốc của hai thành phố này? Họ hàng con cháu các bác lên đây học đại học xong có mấy ai về lại địa phương để sống và làm việc? Chỉ với số lượng những người cùng quê tôi biết bỏ lên TP HCM lập nghiệp nếu gom lại có thể lập được một làng nhỏ. Dân ùn ùn kéo về thành phố lớn, tạo áp lực tăng dân số cơ học khủng khiếp.
Sự phát triển kinh tế không đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng. Có vẻ như các cấp lãnh đạo sau này đang phải "đổ vỏ" cho thế hệ trước, nhưng ngay cả việc này thôi họ làm vẫn chưa thật tốt. Bằng chứng là những cao ốc vẫn được cấp phép xây ngay trong trung tâm thành phố với tần xuất cao, cái sau nhiều tầng hơn cái trước, những chung cư cao cấp hàng chục tầng vẫn liên tiếp mọc lên trong thành phố.
Điều ai cũng biết là nhà đầu tư bỏ triệu đô để xây dựng những tòa nhà chọc trời đó đâu phải để làm cảnh, để cho đẹp thành phố, bằng mọi cách họ phải lấp đầy chúng để thu hồi vốn và sinh lời, sẽ lại thêm một lượng lớn người mới tham gia giao thông. Nhà cứ xây, đường vẫn vậy thì tắc lại càng tắc và cho đến bây giờ tắc đường đã trở thành vấn nạn quốc gia.
Lối thoát cho vấn nạn tắc đường

Đường ơi mở ra!
Tăng diện tích bằng cách mở rộng mặt đường hiện hữu. Đây là phương án theo tôi là tối kiến nhất vì chi phí rất lớn cho vấn đề đền bù giải tỏa, có khi mười đồng làm đường thì hết chín rơi vào tiền đền bù giải tỏa, đồng thời gây cản trở ách tắc giao thông lớn trong quá trình làm đường, cái này không khả thi.
Làm đường mới: Càng khó nếu như tiếp tục làm những con đường mới trong thành phố. Quỹ đất đã hết, tiền đền bù càng khủng khiếp hơn, trong trường hợp này làm đường trên cao theo tôi là khả thi nhất. Có thể thấy Thái Lan là một ví dụ.
Bao giờ người dân thích đi xe buýt hơn xe máy?
Giảm lưu lượng phương tiện giao thông trên đường bằng cách xây dựng các hệ thống giao thông công cộng khác như tàu điện ngầm, hệ thống tàu điện trên cao, nâng cấp bổ sung hệ thống xe bus, tàu điện ngầm thì đã triển khai rồi nhưng phải cần thời gian. Thực tế cho thấy tàu điện ngầm là phương tiện giao thông rất ưu việt, thu hút một lượng lớn người tham gia giao thông. Ở các nước tiên tiến, lượng người sử dụng loại hình giao thông này là rất lớn. Chỉ cần hình dung lượng người đó chui hết lên đường, rồi phát thêm cho mỗi ông chiếc xe máy thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Tôi sẵn sàng đi làm cách nhà 50 km, miễn là giao thông tốt
Khi lượng người quá đông, để giảm áp lực thì biện pháp tốt nhất là phải giãn dân. Thời buổi này giãn dân kiểu kêu gọi mọi người đi kinh tế mới như hồi xưa thì ai mà nghe. Cứ tạo cơ sở vật chất tốt, điện đường trường trạm tốt thì tự khắc dân sẽ giãn ra thôi. Không cần phải nói đâu xa, ở TP HCM, khu Phú Mỹ Hưng bây giờ, ngày ấy là cái gì, chỉ là sình lầy lau lách, có cho vàng cũng không ai về ở. Thế mà bây giờ với cơ sở hạ tầng tốt, quy hoạch ngăn nắp đã trở thành một trong những khu đô thị đắt và đẹp nhất Việt Nam.
Nếu giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt tôi sẵn sàng sống ở một nơi cách nơi làm việc 50 km, các bác thử hình dung nếu tôi ở đầu đường cao tốc TP HCM - Trung Lương thì nơi làm việc ở cuối đường đâu phải là vấn đề mặc dù nó cách nhau 50 km.
Quy hoạch lại thành phố
Tôi hiện đang sống ở TP HCM nên cho phép tôi chỉ lấy ví dụ những bất cập ở đây. Dời các khu công nghiệp, khu chế xuất, bến tàu bến xe ra càng xa thành phố càng tốt. Mọi người có lẽ ai cũng thấy những bất cập khi ga Hòa Hưng tọa lạc ở ngay nơi đông đúc nhất thành phố.
Hàng ngày có biết bao nhiêu chuyến tàu vào ra và mỗi chuyến tàu đó qua biết bao nhiêu những tuyến phố đông đúc, mỗi lần cái barie kéo lên là cả một trận chiến giành đường của tất cả các loại phương tiện. Nếu rời ga Hòa Hưng ra xa thành phố thì không những giảm thiểu kẹt xe cho những con đường mà tàu hỏa đi qua mà ta còn tận dụng đường xe lửa hiện hữu để làm một con đường mới.
Rồi bến xe Miền đông, bến xe Miền tây, cách đây 20 năm thì vị trí hiện tại là hợp lý nhưng bây giờ thì sao. Những con đường xung quanh bến đều là điểm nóng về giao thông. Còn hệ thống cảng Sài Gòn, kế hoạch di dời nó đã có từ hơn mười năm trước nhưng đến bây giờ nó vẫn tồn tại để rồi hàng ngày từng đoàn xe container, xe tải với hàng hóa ngồn ngộn vẫn tung tăng đi lại giữa trung tâm thành phố tạo ra những hiểm họa khó lường.
Tất cả giải pháp trên đều mang tính vĩ mô, đòi hỏi phải có thời gian. Chúng ta không thể giải quyết vấn nạn kẹt xe trong ngày một ngày hai, chính vì vậy chính phủ nhiệm kỳ mới phải đau đầu với các giải pháp tình thế để tạm thời giải quyết vấn nạn này.
Qua truyền thông, mọi người có thể thấy những giải pháp đang được đặt ra đó là cho xe đi ngày chẵn, ngày lẻ, thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố, thay đổi lịch làm việc, giảm dần tiến đến cấm xe máy, đánh thuế cao đối với phương tiện giao thông cá nhân đặc biệt là ôtô (cái này thì vẫn thực hiện lâu nay nhưng xem ra không có hiệu quả lắm, dân ta vẫn sắm ôtô ầm ầm). Những giải pháp này như viên thuốc giảm đau nhưng nó không thể chữa lành căn bệnh. Tuy vậy, vẫn phải thực hiện trong ngắn hạn.
Thay đổi ý thức tham gia giao thông không dễ

Các bác trên đây thường hay nói nhiều đến ý thức của người tham gia giao thông, quy cho đó là cái tội chính dẫn đến tình trạng kẹt xe hiện nay. Cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, nhưng các bác cứ kêu gào phải tuyên truyền, phải kiên quyết, phải phạt nặng... Để thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, cái này xem ra là không ổn.
Cướp đường để không đi làm muộn
Ở đây, ai giám vỗ ngực bảo rằng tôi chưa một lần vượt đèn đỏ, chưa một lần chạy xe lên lề khi tắc đường, chưa một lần lấn tuyến khi đường đông? Quý vị ở đây chắc có rất nhiều người đã làm cha, làm mẹ, thử hỏi có ai chưa một lần đậu xe trước cổng trường để đưa đón con? Việc đó với một người thì không sao nhưng với rất nhiều người thì đó là cản trở giao thông. Cái khó nhất đó là thay đổi ý thức của con người. Nó khó hơn nhiều với việc mở rộng thành phố, xây thêm đường mới.
Các bác thử tưởng tượng có 5 người sắp chết đuối, nếu có 5 cái phao quăng xuống thì không có gì để nói nhưng nếu chỉ có 3 thì chắc chắn là có chuyện, đó là bản năng sinh tồn, giao thông ở ta hiện nay cũng vậy.
So sánh có thể khập khiễng nhưng tôi thấy tham gia giao thông giờ tan tầm cũng giống như đấu tranh sinh tồn, ở đó mạnh được yếu thua, ở đó mạnh ai nấy chạy, giành giật nhau từng mét đường, từng mét vỉa hè, không ai chịu nhường ai. Chỗ nào có CSGT thì còn đỡ, không có là kể như khỏi đi luôn. Đến mức có ông bức xúc quá cầm cả điếu cày lao ra đường để phân luồng giao thông.
Con trẻ biết học văn hóa giao thông ở đâu?
Để thay đổi được cái ý thức này có khi cần phải có thời gian là cả một thế hệ. Không biết bây giờ thế nào, chứ hồi xưa tôi đi học, thì không được dạy về văn hóa giao thông. Tôi có cảm giác là bây giờ cũng vẫn vậy, bằng chứng là ra đường rất dễ bắt gặp những cô cậu học trò kẹp 3 kẹp 4, đầu không mũ bảo hiểm, phóng xe lạng lách nguy hiểm.
Thay đổi ý thức giao thông đòi hỏi nỗ lực dạy dỗ của các bậc làm cha, làm mẹ ngay từ con cái còn nhỏ. Các bác nghĩ con mình lớn lên sẽ tham gia giao thông với ý thức như thế nào nếu bây giờ khi cha mẹ chở chúng vẫn vô tư vượt đèn đỏ, vô tư leo lề, vô tư lấn tuyến, vô tư dừng đỗ bất cứ nơi nào, bất kể đi xe máy hay ôtô, bất kể những hành vi ấy ảnh hưởng lớn đến người khác. Các bác nghĩ sao mà vẫn sắm xe cho con trong khi chúng vấn chưa đủ tuổi với chỉ một ý nghĩ “cho chúng bằng chị bằng em”.
“Cấm phương tiện cá nhân” - liều thuốc đắng cho bệnh thiếu ý thức
Vì thế, nói chờ cho ý thức của người tham gia giao thông tốt lên thì cũng chỉ là “Bao giờ cho đến tháng 10”. Bác Hồ lúc sinh thời từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, việc giải quyết bài toàn giao thông lúc này đúng “là khó vạn lần” nhưng vì “dân không liệu” tức là không thay đổi được ý thức nên chính phủ mới phải đưa ra các biện pháp tình thế, mới nhìn vào thấy có vẻ cực đoan. Những biện pháp ấy ảnh hưởng trực tiếp đến quá nhiều người nên gặp rất nhiều phản đối.
http://image.tin247.com/vnexpress/111107003709-928-962.jpg Lấn phần đường dành cho phương tiện được phép rẽ phải tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Thế Hoàng. Phải công nhận xe máy là phương tiện giao thông rất linh động, có thể đến mọi nơi dù là hang cùng ngõ hẻm mà các phương tiện khác không đến được. Nó rẻ, phù hợp với túi tiền của đại bộ phận dân số nhưng kèm theo đó là rất nhiều hệ lụy. Văn hóa xe máy gắn liền với văn hóa vỉa hè. Còn xe máy thì còn chợ chồm hổm, còn hàng quán vỉa hè. Bởi có bác nào đi xe hơi mà tạt ngang mua mớ rau con cá không? Bất cứ cái nhà mặt tiền nào cũng được tân dụng mở quán, mở cửa hàng, mở văn phòng... Vỉa hè thì biến thành bãi để xe.
Xe máy là phương tiện giao thông dễ gây nguy hiểm, đặc biệt cho người cầm lái. Hầu hết các vụ tai nạn chết người đều liên quan đến xe máy. Việc cấm xe máy không mới trên thế giới, nhưng ở ta thì quả là sốc. Văn hóa xe máy ăn quá sâu vào dân ta rồi. Bây giờ ra đường cách nhà 100 m cũng xách xe, có lẽ người Việt Nam là người ít đi bộ nhất trên thế giới.
Ai cũng than rằng giá ôtô đắt đỏ ở Việt Nam nhưng nếu chúng ta cứ quyết bảo vệ xe máy thì đến bao giờ mới tiếp cận được ôtô, một phương tiện văn minh của thế giới. Xe máy có thể nói chính là nguyên nhân gây kẹt xe như hiện nay. Có nhiều người nói “xe máy chiếm diện tích đường nhỏ, sáu cái xe máy chở 12 người chỉ chiếm diện tích bằng một cái ô tô chở 4 người thế nên nguyên nhân tắc đường là do ôtô mới đúng”.
Xin thưa rằng kẹt xe tắc đường hiện nay như đã nói ở trên chủ yếu là do ý thức kém của người tham gia giao thông. Xe có đông thật nhưng nếu ta biết xếp hàng thì vẫn đi chậm được không đến nỗi tắc. Nhưng có ai chịu xếp hàng đâu! Mạnh ai nấy chen chỗ nào hở là lắp vô liền. Các bác xem cái clip: “Điếu cày điều khiển giao thông” thì thấy, đường bên này còn chỉ vừa đủ cho cái ôtô đi qua vậy mà vẫn có người lao xe máy vào ở chiều ngược lại, thử hỏi lao vào đấy rồi đi tiếp làm sao? Đến khi người ta cầm điếu phang cho thì lại hỏi tai sao?
Tôi không bảo vệ cho ôtô vì thật ra người điều khiển ôtô và người điều khiển xe máy cũng chỉ là một. Chẳng qua ô tô không luồn lách như cái xe máy được, buộc phải xếp hàng, vậy thôi!
Việc thay đổi giờ làm cũng vậy, lúc đầu sẽ gặp rất nhiều phản đối. Giống như hồi xưa bắt toàn dân ra đường phải đội mũ bảo hiểm. Lúc đầu thì sao? Ai cũng chống. Báo chí vào cuộc vẽ ra đủ cái bất lợi nào là vướng víu, nào là gửi xe rồi mũ gửi đâu, rồi vẽ ra đủ các loại tranh châm biếm, đả kích...Vậy khi đi vào thực hiện thì sao. Ai cũng thấy cái lợi lấn át cái hại, biết bao nhiêu người được cứu sống nhờ cái mũ bảo hiểm. Bây giờ nhiều người không đi xe máy nếu không có mũ không phải vì sợ công an mà vì an toàn của bản thân.
Vừa rồi có bài viết “Ở Việt Nam thì đi bộ cũng tắc” của tác giả Nguyễn Minh Đồng được rất nhiều người phản hồi tích cực. Nhưng cá nhân tôi cảm thấy không thỏa mãn vì với tình trạng hiện nay, giải quyết bài toán kẹt xe bằng các phương án tổng thể hay các giải pháp thông minh mà không cần phải cấm gì cả. Như tác giả nói, tôi thấy không khả thi, bất cứ phương án nào dù thông minh đến đâu mà vẫn cần ý thức tự giác của người tham gia giao thông, nếu không sẽ đều thất bại (Tôi có bi quan quá không?).
Chỉ những biện pháp mang tính pháp lệnh mới giải quyết được vấn đề. Các bác cứ hay nói: “Việt Nam ta cái gì không giải quyết được thì cấm”, cái này đúng. Một phần nó phản ánh sự bất lực của các cấp quản lý, nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, hãy tự đánh giá bản thân mỗi người. “Nói nhẹ” chúng ta đâu có nghe, chờ đến lúc nhà nước cấm thì mới la lên.
Cá nhân tôi không đủ tầm để đưa ra một giải pháp nào để cải thiện tình hình giao thông, chỉ xin đóng góp bằng cách ủng hộ và hợp tác với các giải pháp ngắn hạn của chính phủ trong thời gian quá độ chờ đợi những giải pháp dài hơi có hiệu quả. Mong rằng ngày ấy đến sớm.
Vài dòng lan man góp vui với diễn đàn.
Theo vnex