PDA

View Full Version : Hà Nội còn ngập trong nhiều năm tới


johnhuynh426
25-05-2012, 11:09 PM
Theo các chuyên gia, ngay cả khi dự án thoát nước hoàn thành vào năm 2013, nhiều nơi trong nội thành Hà Nội sẽ vẫn bị ngập.


http://images.vnmedia.vn/images_upload/2011/vnm_2011_373361.jpg

Chuyện Hà Nội ngập trong mùa mưa vốn không mấy xa lạ với người dân thủ đô. Tuy nhiên, trong mùa mưa năm nay, dường như tình hình càng trở nên nặng nề hơn. Chỉ trong hai cơn mưa lớn đầu tháng 8, khá nhiều tuyến đường đã chìm trong biển nước. Không chỉ vậy, mưa lớn còn làm ngập nhiều khu dân cư, chung cư, trường học…

Nhìn thấy nhà mà không về được

Sau trận mưa ngày 8/8, Hà Nội xuất hiện hàng loạt điểm ngập trên các tuyến đường Nguyễn Khuyến, Thái Thịnh, Thái Hà, Lê Trọng Tấn, Lê Duẩn, Văn Cao, Phan Kế Bính… Trước đó, cơn mưa chỉ kéo dài 30 phút trong ngày 2-8 cũng khiến khá nhiều tuyến phố bị ngập nặng. Nhiều nơi nước ngập sâu gần 1 m, giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Cuộc sống người dân cũng bị xáo trộn đáng kể.

“Vào mùa mưa, việc đi lại ở Hà Nội rất cực. Nhiều khi nhìn thấy nhà mình rồi mà mãi không về được, vì phía trước là đường ngập, muốn quay ra đi vòng lối khác thì đường lại tắc, không thoát ra được” - chị Tuyết Thanh ở La Khê (Hà Đông) bức bối.

Vẫn chuyện thiếu cống và làm sai quy trình

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân gây ngập là các mương thoát nước, tuyến cống hầu hết đều nhỏ, cao độ đáy không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước mưa. Nhiều khu vực nội thành vẫn thiếu cống thoát nước như các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai… Công ty Thoát nước Hà Nội thông tin thêm, một số nhà thầu khi thi công các dự án chưa thực hiện dẫn dòng, đồng thời còn bơm bùn thải từ công trình ra hệ thống thoát nước làm ảnh hưởng đến việc thoát nước.


Việc thi công, sửa chữa đường cũng là một nguyên nhân góp phần gây ngập ở Hà Nội. Kỹ sư Dương Hồng Thúy, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch - Kiến trúc đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), từng tham gia xây dựng đồ án quy hoạch chung Hà Nội mở rộng nói: “Nguyên tắc sửa chữa là phải giữ đúng cao độ của đường. Nhưng để cho tiện, khi sửa chữa người ta cứ tôn cao đường lên, cống cũng tôn cao theo, cao hơn nhà dân. Vì vậy, nước trong nhà dân không thoát ra được, gây ngập khu dân cư”.
Còn TS Phạm Ngọc Thái, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ - Hội Cấp thoát nước Việt Nam, lại nhấn mạnh đến công tác quản lý, thực hiện quy hoạch. “Trong quá trình phát triển đô thị, nhiều hồ chứa nước của Hà Nội đã bị mất đi. Nhiều hồ khác chưa được cải tạo, quản lý tốt nên chưa phát huy vai trò điều tiết nước mưa. Những khu đô thị mới đua nhau mọc lên ở những khu ruộng vốn là nơi hỗ trợ cho việc thoát nước mưa của TP. Đó là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội vẫn ngập khi có mưa lớn” - ông Thái nói.

Phải thay cống mới và hệ thoát nước đồng bộ


23 Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, với những trận mưa trên 100 mm, TP còn khoảng 23 điểm úng ngập. Hiện hệ thống thoát nước của Hà Nội chỉ chịu được với những trận mưa nhỏ, dưới 50 mm trong 1 giờ.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, TP đang thực hiện dự án thoát nước giai đoạn hai cho đến năm 2013. Mục tiêu của dự án là chống ngập úng cho TP trong lưu vực sông Tô Lịch. “Khi dự án hoàn thành, tình trạng úng ngập sẽ giảm đi rất nhiều” - ông Phan Hoài Minh, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, khẳng định.

Tuy nhiên, theo bà Dương Hồng Thúy, dự án thoát nước mà Hà Nội đang thực hiện mới chỉ giải quyết cho các công trình đầu mối. Đó là cải tạo hệ thống hồ điều hòa trong nội đô, nâng công suất trạm bơm Yên Sở, xây dựng cống ở tiểu lưu vực… Có rất ít tuyến phố nhánh được “hưởng lợi” từ dự án này và do đó tình trạng úng ngập vẫn sẽ tồn tại sau khi dự án hoàn thành. “Muốn chống ngập hiệu quả, cần phối hợp thêm nhiều giải pháp khác. Cụ thể, phải rà soát toàn bộ các tuyến cống, cống nào thoát nước yếu thì thay thế bằng cống lớn hơn. Việc bảo dưỡng, nạo vét định kỳ đường thoát nước cũng phải được thực hiện thường xuyên hơn” - bà Thúy đề xuất.

TS Phạm Ngọc Thái lại đề nghị TP cần đầu tư hệ thống thoát nước cho toàn bộ khu vực nội thành một cách đồng bộ, đặc biệt là ở các khu nội thành mới, các quận mới chưa có dự án thoát nước. “Cùng đó, cần có nghiên cứu riêng về các điểm ngập thường xuyên hiện nay để tìm giải pháp khắc phục. Một điều quan trọng nữa là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác, lấn chiếm kênh rạch làm cản trở dòng chảy” - ông Thái nói.

Đừng quá sợ Hà Nội ngập!

“Hiện tại, đừng quá sợ Hà Nội ngập vì việc này sẽ còn xảy ra nhiều. Vấn đề quan trọng là làm sao cho nước thoát được nhanh. Duy trì hết ngập úng khoảng 1 giờ sau mưa lớn là chấp nhận được. Với điều kiện hiện tại của Hà Nội, rất không thực tế nếu chúng ta đưa ra một yêu cầu cao là trong và sau mưa lớn nước rút hết ngay” - TS Phạm Ngọc Thái, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ - Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Vậy khi nào Hà Nội mới hết ngập, thưa ông?

Hà Nội vẫn sẽ còn bị ngập úng trong một số năm tới khi có mưa lớn hoặc mưa ngắn với cường độ cao. Dự án thoát nước Hà Nội đang thực hiện có mục đích là giảm ngập cho một phần đô thị nội thành. Khi dự án hoàn thành, một phần khu vực nội đô chắc chắn sẽ thoát nước nhanh hơn. Tuy nhiên, các khu vực đô thị mới, bên ngoài sông Tô Lịch hoặc những nơi chưa có dự án thoát nước sẽ không được như vậy.

Với thực trạng của hệ thống thoát nước và điều kiện kinh tế còn khó khăn, để Hà Nội hết ngập hoàn toàn là điều rất khó thực hiện trong khoảng 10 năm tới, đặc biệt là với những diễn biến khôn lường của biến đổi khí hậu. Các TP trên thế giới chống ngập bằng nhiều cách với các hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Nhưng với mưa quá to và những tác động bất thường của thời tiết thì đôi khi cũng phải chấp nhận việc úng ngập.

Không làm như thế, lấy gì mà “ăn”!

Những năm qua, nhiều đường cống mới được xây nhưng khâu thi công, giám sát thi công rất kém. Ở đường thoát nước gần nhà tôi, đơn vị thi công làm sai hầu hết quy trình, không có mống cống, tum nối… Tôi hỏi: “Sao lại làm như thế?”, họ trả lời: “Không làm như thế lấy gì mà “ăn”!”.

Kỹ sư DƯƠNG HỒNG THÚY, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch - Kiến trúc đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng

Mưa xuống là cả nhà mệt đừ

Cứ sau mỗi trận mưa to là nhà tôi lại bị ngập, nước lên tới đầu gối. Nước mưa cùng nước cống thi nhau tràn vào nhà, bẩn không chịu nổi. Khi nước rút, cả nhà phải lăn ra cọ rửa, dọn dẹp. Mệt đừ!

Bà NGUYỄN THỊ QUANG, khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình


(theo PL TPHCM)

drvovanloan
25-05-2012, 11:09 PM
"Không làm như thế lấy gì mà ăn" - câu này hay!hi